Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, việc chuyển đổi sang năng lượng xanh là một yêu cầu cấp thiết. Chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió,… đang trở thành một ưu tiên hàng đầu, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Với tiềm năng dồi dào về các nguồn năng lượng sạch này, Việt Nam đang nắm giữ một lợi thế cạnh tranh lớn trong cuộc đua chuyển đổi xanh. Đầu tư vào năng lượng tái tạo không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn là một quyết định kinh tế thông minh, mang lại nhiều lợi ích xã hội như tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển năng lượng xanh lớn bậc nhất khu vực. Với địa hình đa dạng, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nước ta sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo phong phú như ánh sáng mặt trời, gió biển và các dòng sông. Bên cạnh đó, sự quan tâm của người dân đối với các vấn đề môi trường và sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng sạch đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển đổi.
Chuyển đổi sang năng lượng xanh là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ môi trường. Bằng việc tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, nước,… nó không chỉ giảm thiểu đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn bảo vệ môi trường tự nhiên khỏi những tác động tiêu cực của việc khai thác nhiên liệu hóa thạch. Khác với nhiên liệu hóa thạch, năng lượng xanh là nguồn năng lượng vô tận, không gây ô nhiễm môi trường và không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ngoài ra còn góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và duy trì sự cân bằng sinh thái.
Việc chuyển đổi sang năng lượng không chỉ đơn thuần là một lựa chọn bảo vệ môi trường mà còn là một quyết định kinh tế thông minh. Bằng cách đầu tư vào các nguồn năng lượng như mặt trời, gió và nước,… không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn mở ra những cơ hội phát triển kinh tế mới đầy hứa hẹn. Năng lượng xanh đã và đang tạo ra một ngành công nghiệp năng lượng sạch hoàn toàn mới, từ sản xuất thiết bị, lắp đặt hệ thống đến các dịch vụ bảo trì, nó không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra hàng triệu việc làm chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu rủi ro trước những biến động giá cả thất thường trên thị trường năng lượng toàn cầu. Hơn nữa, năng lượng xanh còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài thông qua việc giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả năng lượng và tạo ra các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: “Bây giờ xu thế phát triển bền vững là định hướng chung của toàn cầu, nghĩa là không có nước nào muốn phát triển nhanh mà không tham gia vào. Việc phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng chung nên các nước sẽ rất quan tâm đến những nước thực hiện tốt xu hướng này. Như vậy, nếu phát triển tốt năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều tổ chức kinh tế ưu tiên hợp tác phát triển. Đây chính là một cơ hội quan trọng Việt Nam cần nắm bắt để hội nhập sâu hơn nữa vào chuỗi sản xuất toàn cầu, đẩy mạnh hơn nữa để tăng trưởng đạt mức cao và bền vững”.
Vào tháng 10 tới đây, Luật Điện lực sẽ được đưa ra nghiên cứu và lấy ý kiến của Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn là các điều chỉnh nào sẽ được đưa vào dự Luật để phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc gia đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu tác động môi trường, việc cải cách chính sách điện lực sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch và hiệu quả. Các điều chỉnh dự kiến có thể bao gồm việc khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, cải thiện cơ chế giá điện để phản ánh đúng chi phí môi trường và thiết lập các quy định hỗ trợ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng xanh.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Thiếu hụt vốn đầu tư, là một trong những rào cản lớn nhất, đặc biệt là vốn dài hạn cho các dự án năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, công nghệ lạc hậu và hệ thống lưới điện chưa hoàn thiện cũng hạn chế khả năng tích hợp các nguồn năng lượng mới vào hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu về năng lượng tái tạo là yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển đổi. Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao khiến cho việc triển khai các dự án năng lượng xanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời làm giảm hiệu quả của các chính sách hỗ trợ.
Nhắc đến những khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn như thiếu điều tra nghiên cứu cơ bản, chưa sản xuất được thiết bị phát điện gió, điện mặt trời, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện. “Khi chuyển đổi sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi, nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống người dân”, chuyên gia nhận định.
Chuyển đổi sang năng lượng xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, yêu cầu phải hành động ngay bây giờ để giảm thiểu tác động tiêu cực của nó. Quá trình này đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Với tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia dẫn đầu trong khu vực về phát triển năng lượng xanh. Thực hiện được điều này không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn tạo ra nhiều cơ hội kinh tế mới, thu hút đầu tư và tạo việc làm. Quyết định đầu tư vào năng lượng xanh không chỉ là một quyết định kinh tế mà còn là một cam kết đối với tương lai của thế hệ mai sau khi nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc chuyển đổi sang năng lượng xanh và thu được những kết quả đáng kể như Đức, Đan Mạch và các nước Bắc Âu. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều tương tự.
Hồng Gấm