Năm 2023, một bài báo trên tạp chí The Economist bình luận rằng quá trình chuyển đổi xanh sẽ làm thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu mà ai thắng ai bại vẫn là một bí ẩn vì chưa nước nào trên thế giới tận dụng được các thế mạnh và cơ hội của mình. Nhưng vẫn có một số bài học tham khảo, chẳng hạn như Thái Lan.
Tháng 5/2022, Thái Lan tham gia Hiệp định Kinh tế sạch trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) của Mỹ với 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, sáng kiến này nhằm nâng cao khả năng phục hồi, tính bền vững, tính toàn diện, tăng trưởng kinh tế, sự công bằng và khả năng cạnh tranh cho các nền kinh tế thành viên, bao gồm Mỹ. Hiệp định này là cú hích cần thiết giúp những nỗ lực của quốc gia này bao trùm hơn các lĩnh vực, từ giao thông xanh, năng lượng sạch tới quản lý rác thải.
Để chuyển sang mô hình kinh tế bền vững hơn, đảm bảo cân bằng giữa phát triển với duy trì hệ sinh thái toàn cầu khỏe mạnh đòi hỏi các nền kinh tế phải đầu tư sự chuyển hướng. Các ước tính khác nhau cho thấy việc này sẽ cần từ 109.000 tỉ đến 275.000 tỉ USD năm 2050 cho các sản phẩm và dịch vụ phát thải thấp như năng lượng tái tạo, hạ tầng xanh, giao thông xanh, quản lý rác thải, nước và tài nguyên.
Đa dạng nỗ lực
Để làm bệ phóng cho chuyển đổi xanh, Thái Lan bắt đầu với việc hoàn thiện khung pháp lý. Dự thảo luật biến đổi khí hậu cho thấy quyết tâm của nước này trong việc thúc đẩy một xã hội bền vững và phát thải thấp, phù hợp các cam kết toàn cầu về trung hòa carbon (net zero) năm 2050.
Dự luật của Thái Lan đề ra khung pháp lý mạnh mẽ để thực thi và thúc đẩy các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường năng lực quốc gia trong thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Tạp chí xe điện (evmagazine.com), Thái Lan đang nổi lên như một quốc gia lớn trong ngành công nghiệp xe điện, thu hút các nhà sản xuất ô tô toàn cầu nhờ các ưu đãi của chính phủ và lực lượng lao động lành nghề.
Các công ty sản xuất xe điện lớn – từ một công ty tương đối mới của Trung Quốc như BYD tới thương hiệu uy tín 108 năm tuổi BMW của Đức – đều có quyết định chiến lược là sản xuất xe điện tại Thái Lan. Ngoài ra còn có Toyota, Honda, Hyundai, Mercedes-Benz.
Sự hiện diện của những tên tuổi lớn của ngành xe hơi và đang chuyển sang xe điện cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Thái Lan với tư cách là trung tâm sản xuất xe sử dụng năng lượng mới.
Thái Lan thúc đẩy sử dụng xe điện thông qua các sáng kiến như Trung tâm xe điện hành lang kinh tế phía Đông (EEC). Sáng kiến này thu hút các nhà sản xuất xe điện bằng ưu đãi đầu tư và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng. Nước này còn hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác thành lập trạm sạc, sản xuất xe điện kết hợp xe xăng và và xe điện chạy pin.
Về năng lượng, điện mặt trời được Thái Lan xem là cốt lõi trong chiến lược năng lượng xanh, đặc biệt ở những khu vực thiếu khả năng tiếp cận các nguồn điện truyền thống. Cựu thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin từng tuyên bố muốn năng lượng xanh và tái tạo chiếm 50% tổng lượng điện sản xuất tại nước này vào năm 2029. Cách hiện thực hóa mục tiêu này đã được đưa vào Kế hoạch phát triển điện (PDP) giai đoạn 2024-2037 của đất nước.
Thái Lan khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư năng lượng mặt trời từ những năm 1990, cho phép các nhà sản xuất điện nhỏ (SPP) và rất nhỏ (VSPP) tham gia sản xuất điện. Cơ quan phát triển và hiệu quả năng lượng thay thế (DEDE) thuộc Bộ Năng lượng là đầu mối hỗ trợ nhiều dự án thí điểm trên cả nước như điện mặt trời hộ gia đình, hệ thống sạc pin cho các bản làng nông thôn và tấm năng lượng mặt trời tại trường học và nhà cộng đồng.
Thái Lan cũng thúc đẩy sử dụng năng lượng mặt trời cho cơ sở hạ tầng công cộng như căn cứ quân sự, đồn biên phòng và chiếu sáng công cộng. Những sáng kiến này còn tăng cường thắp sáng vùng sâu vùng xa.
Trong quản lý rác, nước và tài nguyên, Thái Lan không thiếu những dự án thiết thực. Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ Thái Lan (TISTR) đã phát triển thành công mẫu bao bì xanh từ bã mía để đựng thực phẩm cho bệnh nhân trong bệnh viện. Hộp bã mía có khả năng phân hủy sinh học giúp giảm rác nhựa, rác bã mía, giảm sử dụng nước.
Một sản phẩm thân thiện với môi trường khác là chậu ươm cây phân hủy sinh học. TISTR đã thành công tạo ra chậu ươm phân hủy sinh học từ nhiều loại phế thải nông nghiệp. Chậu làm từ xơ dừa, trấu, thân cây ngô, rơm rạ, cỏ Napier, bột chuối, bã mía, lục bình và tre, là lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường cho túi ươm cây bằng ni lông truyền thống. Chậu có độ bền vừa đủ, kích cỡ đa dạng, cho phép cây phát triển tối ưu với tính năng giữ nước hiệu quả, cho phép rễ đâm xuyên qua thành và đáy chậu. Chậu sẽ phân hủy tự nhiên theo thời gian, giúp giảm rác thải nhựa.
Sáng kiến của TISTR không chỉ giải quyết các thách thức môi trường do sử dụng nhựa trong nông nghiệp mà còn thúc đẩy việc sử dụng bền vững phế thải nông nghiệp, phù hợp với cam kết của Thái Lan trong việc thúc đẩy chương trình kinh tế xanh và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong bảo tồn môi trường và phát triển bền vững.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan thúc đẩy các biện pháp tái chế và giảm rác thải nhựa trên toàn quốc trong khi các dự án sử dụng tài nguyên bền vững và giảm chất thải trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng được nhiều đơn vị thực hiện.
Công trình xanh và cơ sở hạ tầng bền vững
Viện công trình xanh Thái Lan (TGBI) giám sát chương trình chứng nhận công trình xanh trên toàn quốc. Tiêu biểu là tòa nhà Net Zero (NZEB) từng đoạt giải thưởng của Tiên đế Mongkut ở Bangkok. Tòa nhà này có hệ thống tiết kiệm năng lượng và tích hợp năng lượng tái tạo, là chuẩn mực cho các hoạt động xây dựng xanh ở Thái Lan.
Cơ quan lâm nghiệp hoàng gia và Cơ quan bảo tồn công viên quốc gia, động – thực vật hoang cũng thực hiện nhiều nỗ lực bảo tồn rừng. Chẳng hạn, dự án “Triệu cây” ở tỉnh Phetchabun sẽ trồng lại rừng cho các khu vực bị suy thoái và khôi phục đa dạng sinh học.
Các sáng kiến quản lý rừng dựa vào cộng đồng ở tỉnh Mae Hong Son có sự tham gia của người dân địa phương và được các tổ chức bảo tồn quốc tế như WWF-Thái Lan và chương trình Giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) hỗ trợ.
Những sáng kiến này nêu bật cam kết của Thái Lan trong việc đảm bảo bền vững môi trường vào các chiến lược phát triển kinh tế. Chuyện ở Thái Lan nghe rất quen vì đây cũng chính là lộ trình mà Việt Nam và nhiều nước đang đi dù mức độ đầu tư và tốc độ đổi mới, cải tiến công nghệ, số hóa khác nhau.
Ở tỉnh Nan, miền bắc nước Thái có một nông sản nổi tiếng là bí đỏ trứng thối. Các nhà khoa học đã nghiên cứu để cải tiến giống bí này, rút ngắn thời gian trồng từ 150 ngày xuống còn 85-90 ngày. Nông dân địa phương được tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ và đa dạng hóa cây trồng. Cộng đồng doanh nghiệp địa phương được hỗ trợ để áp dụng công nghệ chế biến quả bí đỏ thành các sản phẩm đóng gói như mì, đồ ăn vặt và bột bí đỏ.
Sự kết hợp của nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp vừa giúp tăng thu nhập cho các bên vừa thúc đẩy nông nghiệp bền vững bằng cách sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên địa phương, bảo tồn đa dạng sinh học và giảm tác động đến môi trường trong nông nghiệp.
Với hàng loạt sáng kiến và nỗ lực, con đường phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong một báo cáo nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố hồi tháng 5, các tác giả đánh giá việc thực hiện cam kết hiện tại của Thái Lan nhằm đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2065 sẽ đòi hỏi những thay đổi chính sách đáng kể.
Nhóm tác giả ghi nhận Thái Lan đã bắt đầu các nỗ lực chuyển mạnh sang các nguồn năng lượng tái tạo, với việc sử dụng nhiên liệu sinh học gia tăng trong vận tải đường bộ, đầu tư vào các công nghệ sản xuất xanh hơn, và sử dụng tài nguyên có trách nhiệm hơn.
“Tuy nhiên, hầu hết các sáng kiến hiện tại vẫn mang tính tự nguyện, điều này sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu về khí hậu của quốc gia. Vì Thái Lan dễ bị tổn thương trước các rủi ro từ biến đổi khí hậu, các chính sách thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu cũng sẽ đóng vai trò quan trọng” – nghiên cứu viết.
Đây là những nhận xét mà nhiều láng giềng Đông Nam Á cần lưu tâm.
Xuân Minh