Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch, đang trên đường trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới đạt được trạng thái trung hòa carbon vào năm 2025.
Với những chiến lược táo bạo và các bước đi quyết liệt, thành phố này không chỉ là hình mẫu về phát triển bền vững mà còn thể hiện tham vọng dẫn đầu trong cuộc chiến chống Biến đổi Khí hậu.
Một trong những biểu tượng nổi bật của Copenhagen là cây cầu “Con Rắn” – nơi chỉ dành riêng cho xe đạp, cấm hoàn toàn xe hơi. Đây là điểm nhấn trong mạng lưới 400 km đường dành cho xe đạp, kết nối khắp thành phố.
Cùng với các bãi đỗ xe khổng lồ dành cho phương tiện hai bánh và hệ thống đèn giao thông ưu tiên, xe đạp đã vượt xa xe hơi về số lượng tại Copenhagen. Hiện nay, cứ 10 người dân thì có 9 người sở hữu xe đạp. Hạ tầng này là một phần trong kế hoạch khí hậu 2025, được thông qua năm 2012, với mục tiêu đưa Copenhagen thành thành phố đầu tiên trên thế giới trung hòa carbon. Kế hoạch này yêu cầu lượng khí thải CO2 không vượt quá khả năng hấp thụ của cây xanh và hệ sinh thái đô thị.
Copenhagen đã giảm được 80% lượng khí thải CO2 so với năm 2010, phần lớn nhờ vào công trình độc đáo mang tên Copenhill. Đây là nhà máy đốt rác lớn nhất Đan Mạch, không chỉ cung cấp năng lượng sưởi ấm cho gần 100.000 hộ gia đình mỗi năm mà còn trở thành điểm du lịch với đường trượt tuyết trên mái. Tại nhà máy, hàng trăm nghìn tấn rác thải được đốt để tạo ra nhiệt lượng.
Theo ông Sune Martin Scheibye, phụ trách truyền thông của Copenhill, người dân Copenhagen tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phân loại rác với 10 thùng rác cho từng loại chất thải. Phần rác không thể tái chế được đưa đến nhà máy để xử lý.
Không chỉ xử lý rác thải trong nước, Copenhill còn nhập khẩu rác từ Anh và Italy để đốt.
Dù gây tranh cãi, Giám đốc nhà máy, ông Jacob H. Simonsen, khẳng định đây là giải pháp ít gây ô nhiễm hơn so với việc chôn lấp rác. Ông cho biết đốt rác tại đây giúp giảm 900 kg CO2 trên mỗi tấn rác nhập khẩu. Hệ thống này, kết hợp với việc sử dụng sinh khối (gỗ vụn), giúp Copenhagen giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính. Nếu không có các biện pháp này, lượng khí thải của thành phố sẽ cao gấp 4 lần hiện tại.
Bên cạnh năng lượng, Copenhagen cũng chú trọng phát triển không gian xanh. Trong vòng 5 năm qua, thành phố đã trồng 70.000 cây xanh, tăng khả năng hấp thụ carbon và cải thiện chất lượng không khí. Trung bình, mỗi người dân tại đây có 41 m2 không gian xanh, gấp 10 lần so với các thành phố như Paris hay Marseille.
Trong lĩnh vực thực phẩm, Copenhagen cũng thực hiện những bước đi quyết liệt. Tại các trường công lập, thực đơn căngtin đã loại bỏ thịt bò, thịt cừu và thịt bê – những loại thịt có quy trình sản xuất gây ô nhiễm cao. Ba ngày mỗi tuần, các bữa ăn hoàn toàn chay, với 90% nguyên liệu là thực phẩm hữu cơ.
Với những chiến lược bài bản, Copenhagen đang từng bước biến tham vọng trở thành thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới thành hiện thực.
Dù đối mặt với những thách thức về kinh tế và xã hội, các biện pháp đổi mới sáng tạo của thành phố vẫn thu hút sự chú ý toàn cầu, đặt ra một hình mẫu cho các đô thị khác trong cuộc chiến chống Biến đổi Khí hậu.
Copenhagen không chỉ là một thành phố xanh mà còn là biểu tượng cho tương lai bền vững của nhân loại./.
Triển lãm “Hợp tác để Xanh hơn” (giới thiệu các giải pháp xanh của Đan Mạch trong các lĩnh vực: năng lượng, quản lý nước, kinh tế tuần hoàn và các thành phố bền vững, đáng sống) từ sự kiện “Ngày Bắc Âu – Tiến tới Xanh” trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024) diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 21 – 23/10; được chuyển ra trưng bày tại sân Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội cùng tọa đàm “Chuyển đổi Đô thị Xanh – từ Đan Mạch đến Việt Nam” do Đại sứ quán Đan Mạch và Ashui.com phối hợp tổ chức ngày 28/11; và hiện tại đang được trưng bày tại ConsHub (Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Cổng số 01 Đại lộ Thăng Long / Cổng số 02 đường Phạm Hùng).
Hương Giang