Chia sẻ tại Diễn đàn “Cơ hội đầu tư thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường carbon” được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 16/6, ông Phạm Cương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, nhìn nhận thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero-Phát thải ròng bằng 0 của nước ta vào năm 2025.
Thị trường này vận hành theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường, và tuân theo nguyên tắc thuận mua – vừa bán. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ carbon, giải pháp xanh sẽ được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Ông Cương nhìn nhận, ở giai đoạn hiện tại thị trường trao đổi tín chỉ carbon của Việt Nam đang khá sôi động liên quan đến mua bán, bù trừ, đầu tư dự án sinh ra tín chỉ carbon.
Ngay cả đối với việc trồng và bảo vệ rừng, cũng đang đem lại nguồn thu cho nông dân từ việc bán khí thải carbon.
TS Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện tại Việt Nam đã có dự án bán được tín chỉ carbon ra quốc tế. Dự án thuộc Thỏa thuận thanh toán giảm thiểu phát thải (ERPA) với Quỹ Đối tác carbon rừng thuộc Ngân hàng Thế giới ký vào tháng 10-2020.
Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải carbon từ sáu tỉnh Bắc Trung bộ cho đến năm 2025 để nhận 51,5 triệu USD, tức mỗi tín chỉ carbon sẽ là 1 tấn khí thải và trị giá 5 USD.
“Hiện các yêu cầu kỹ thuật và báo cáo lần 1 đã hoàn thành và chỉ chờ thủ tục thanh toán từ Ngân hàng thế giới đối với quỹ bảo vệ phát triển rừng Việt Nam. Sau khi được giải ngân số tiền này sẽ được chia cho các hộ nông dân hoặc chủ sở hữu trồng và bảo vệ rừng.
“Đây cũng là chương trình đầu tiên chúng ta chuyển quyền phát thải được tạo ra từ công tác quản lý và bảo vệ rừng, và mang tính chất thí điểm trong bối cảnh các chính sách khác chưa đầy đủ và hoàn thiện”- ông Phương nhìn nhận.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Trang, Chủ tịch T.A.F Group lại cho biết doanh nghiệp của bà hiện đang đầu tư và mua tín chỉ carbon với giá 7 USD/tín chỉ. Với mức giá này bà Trang cho rằng rất tốt và “là món lời lớn”.
Bà dự đoán, khoảng 2-3 năm nữa thị trường carbon của Việt Nam sẽ nhận được sự quan tâm của rất nhiều DN lẫn các nhà đầu tư, bởi hiện nay giá tín chí carbon của nước ta so với các nước trong khu vực và thế giới đang chênh lệch, và được ưu tiên, hưởng lợi rất nhiều về giá.
“Nếu các DN quan tâm sớm thì đây là một khoản lợi rất lớn, nếu vài ba năm nữa thì DN phải trả một khoản chi phí lớn vì lượng tín chỉ có hạn, lẫn các ngành sinh ra tín chỉ như rừng, thiên nhiên, công nghệ cao… cũng có hạn mà nhu cầu tín chỉ carbon lại lớn, nhất là khi các nước đều áp mức phí carbon”- bà Trang nhìn nhận.
Cũng theo bà Trang, ví dụ giá tín chỉ ở Việt Nam đang 7 USD, khi chúng ta xuất khẩu sang các nước có tính thuế carbon mà khi DN lại chưa mua tín chỉ carbon thì sẽ bị áp lên 80 USD, khiến giá sản phẩm phải tăng cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN.
Thu Hà