Hơn 500 đại diện từ Chính phủ, khối doanh nghiệp tư nhân và xã hội dân sự đã cùng đề xuất “4 cách tiếp cận thúc đẩy Thái Lan hướng đến một xã hội carbon thấp” trình lên Thủ tướng Chính phủ. Đây là nỗ lực chung nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2065 theo các chiến lược cụ thể sau:
Công cụ tăng tốc Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC – Nationally Determined Contributions) (NDC Accelerator) thông qua hợp tác đa phương để xây dựng mô hình “Saraburi Sandbox” – thành phố phát thải carbon thấp kiểu mẫu đầu tiên tại Thái Lan. Sáng kiến này được thiết kế nhằm mục đích kích thích nền kinh tế thông qua các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái;
Thúc đẩy nền Kinh tế tuần hoàn bằng việc đưa kinh tế tuần hoàn trở thành chương trình nghị sự quốc gia, tạo ra giá trị kinh tế từ các vật liệu tái chế, tập trung vào ba ngành công nghiệp nòng cốt: bao bì, công nghiệp ô tô và xây dựng;
Chuyển đổi năng lượng bằng cách gỡ bỏ các hạn chế, tự do hóa việc sản xuất và kinh doanh năng lượng sạch thông qua hiện đại hóa lưới điện, phát triển công nghệ lưu trữ pin cho năng lượng sạch và thúc đẩy các nguồn năng lượng thay thế;
Chuyển dịch năng lượng công bằng bằng cách hỗ trợ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trở nên tự lực thông qua việc trau dồi kiến thức, nâng cao công nghệ phát thải carbon thấp và tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Bốn đề xuất này đều hướng đến việc định hướng nền kinh tế Thái Lan theo mô hình carbon thấp.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn SCG, cho biết: “Chúng ta hiện đang bước vào kỷ nguyên ‘Nung nóng Toàn cầu’ với những tác động tức thì và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi khía cạnh của cuộc sống trên toàn thế giới, bao gồm cả kinh tế, xã hội và môi trường. Trước tình hình đó, SCG đã mời hơn 500 đại diện từ Chính phủ, khối doanh nghiệp tư nhân và xã hội dân sự cùng nhau đưa ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Những khuyến nghị này sẽ được trình lên Thủ tướng Thái Lan tại Hội nghị chuyên đề ESG 2023.”
Ông Thammasak Sethaudom, Phó Chủ tịch Điều hành tập đoàn SCG, cho biết: “Tất cả các bên hữu quan đều mong muốn chung tay nỗ lực nhằm mở rộng nền kinh tế Thái Lan bên cạnh mục tiêu đạt được phát thải khí nhà kính bằng 0. Mục tiêu của chúng tôi là hiện thực hoá quá trình chuyển đổi của Thái Lan thành xã hội carbon thấp, với 04 chiến lược hợp tác được đề xuất như sau:
Công cụ tăng tốc Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với kế hoạch chuyển đổi ‘Saraburi Sandbox’ – thành phố đang đối mặt với những thử thách môi trường, trở thành thành phố kiểu mẫu carbon thấp đầu tiên của Thái Lan, với nòng cốt là các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái;
Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng việc ưu tiên áp dụng kinh tế tuần hoàn và đưa chủ đề này vào chương trình nghị sự quốc gia. Hiện tại, ba ngành công nghiệp trọng tâm cho kinh tế tuần hoàn bao gồm ngành bao bì, ô tô và xây dựng. Việc ưu tiên chiến lược này ở cấp độ quốc gia sẽ là động lực thúc đẩy các ngành khác tăng cường nỗ lực, từ đó nâng cao giá trị kinh tế;
Chuyển đổi năng lượng sạch và bền vững, mở khóa các hạn chế bằng cách chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hiện hữu và tiện lợi. Điều này liên quan đến việc tự do hóa kinh doanh điện sạch thông qua hiện đại hóa lưới điện, tăng cường đầu tư vào công nghệ lưu trữ năng lượng và hỗ trợ các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm hydro, nhiên liệu sinh học, chất thải cộng đồng và cây trồng năng lượng;
Chuyển dịch năng lượng công bằng bằng cách trao quyền cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, thông qua việc nâng cao nhận thức, tạo điều kiện tiếp cận các công nghệ giảm thiểu phát thải carbon và cung cấp các nguồn tài chính môi trường.
Ông Kitipong Promwong, Chủ tịch Văn phòng Hội đồng Chính sách Đổi mới, Khoa học, Nghiên cứu, Giáo dục Bậc cao Đại học Quốc gia, (NXPO) bày tỏ: “Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển dự án “Saraburi Sandbox” trở thành mô hình thành phố với lượng phát thải carbon thấp và đạt phát thải ròng bằng không (Net Zero) đầu tiên của Thái Lan. Tuy nhiên, vì Saraburi là nơi quy tụ các ngành công nghiệp nặng, gắn liền với những vấn đề môi trường đáng lưu tâm nên đây là thách thức lớn cần phải vượt qua. Việc chuyển đổi thành công Saraburi trở thành thành phố carbon thấp hoặc đạt mục tiêu về Phát thải ròng bằng 0 đòi hỏi hợp tác liên ngành và đổi mới liên tục. Để từ đây, Saraburi sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu cho các tỉnh thành khác áp dụng.”
Trong lĩnh vực công nghiệp, chúng ta cần chuyển đổi sang hướng công nghiệp xanh và tích cực đầu tư để tối đa hóa việc sử dụng năng lượng sạch, đồng thời thúc đẩy sử dụng và xuất khẩu các sản phẩm xanh, như xi măng carbon thấp và Hạt năng lượng sinh học (Bio Energy Pellets). Trong khi đó, ngành nông nghiệp cũng đang dần ứng dụng các phương pháp nông nghiệp bền vững. Chẳng hạn như kỹ thuật tưới khô ngập luân phiên (AWD – Alternate wetting and drying) trong canh tác lúa nhằm giảm lượng tiêu thụ nước, chi phí và lượng khí thải nhà kính. Những nỗ lực trên cũng bao gồm việc trồng cỏ voi (Napier grass) trên những khu vực đất không còn khả năng canh tác để tạo nên nguồn năng lượng thay thế. Hoạt động này không chỉ giảm hàm lượng carbon phát thải mà còn góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân. Ngoài ra, việc thiết lập 38 khu rừng cộng đồng trên toàn thành phố sẽ giúp tăng cường không gian xanh hấp thụ carbon, tạo tiền đề phát triển du lịch sinh thái, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương”.
Bà Panrat Phechpakdee, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan – FTI , nhấn mạnh: “Để đạt được thành công như Thụy Điển và Phần Lan, kinh tế tuần hoàn cần trở thành một trong những nhiệm vụ quốc gia và cần được triển khai rộng rãi trên khắp Thái Lan. Trong đó, ba ngành công nghiệp chủ chốt là bao bì, ô tô và xây dựng đã đi tiên phong và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Để nhân rộng thành công ở các lĩnh vực khác, việc ban hành luật, chính sách và chuẩn hóa hệ thống phân loại, thu gom rác thải trên toàn quốc là điều tất yếu”.
Ông Charoenchai Chaliewkriengkrai, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Tỉnh Saraburi, cho biết: “70% khí thải nhà kính tại Thái Lan đến từ lĩnh vực năng lượng. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, chúng ta cần chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch có hàm lượng carbon cao sang nguồn năng lượng sạch. Bên cạnh đó, nỗ lực hợp tác sâu rộng cũng là tiền đề quan trọng để giải quyết những hạn chế, nâng cao an ninh năng lượng và tính bền vững trong nước, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách tự do hóa thương mại năng lượng điện sạch thông qua hiện đại hóa hệ thống lưới điện. Lĩnh vực công và tư nhân nên tận dụng chung mạng lưới điện để tiếp cận đường truyền dễ dàng và thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích đầu tư phát triển các công nghệ lưu trữ pin hiệu quả và tiết kiệm chi phí, thúc đẩy sản xuất theo mô hình kiểm soát S-Curve mới và tận dụng không gian trống cho các hình thức lưu trữ năng lượng khác nhau, đơn cử như: thủy năng, nhiệt năng, cơ năng và hóa năng. Ngoài ra, chúng ta cần phát triển các nguồn năng lượng thay thế mới để đưa vào kế hoạch năng lượng quốc gia, chẳng hạn như năng lượng hydro có nguồn gốc từ thực vật, chất thải cộng đồng và chất thải công nghiệp. Cùng với đó là sửa đổi các chính sách để khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng sạch. Đến năm 2050, mục tiêu sử dụng điện từ các nguồn năng lượng thay thế sẽ tăng từ 13% lên 50%.
Bà Jitsai Santaputra, nhà hoạt động môi trường và là Đại sứ Thanh niên toàn cầu về SDG7 ở khu vực Đông Nam Á bày tỏ: “Để quá trình chuyển đổi sang xã hội carbon thấp ở Thái Lan được diễn ra thuận lợi, chúng ta cần đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là các nhóm/ đối tượng dễ bị tổn thương như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động, nông dân và cộng đồng – những người bị hạn chế về nguồn lực cũng như hiểu biết về những thay đổi cần thiết để thích ứng trong điều kiện mới.
Văn Lượng – Vietnam Business Forum