Nhịp cầu phát triển Việt Nam năm 2024: Hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững
Ngày 10/4 tại thành phố Hải Phòng, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 và chương trình Golden Dragon Awards lần thứ 23.
Tham dự và chủ trì diễn đàn có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.
Sự kiện cũng có sự tham dự, đóng góp ý kiến của đại diện các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng trong nước và gần 300 doanh nghiệp FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài) tại Việt Nam.
Mục tiêu trọng tâm của diễn đàn nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương, đối tác quốc tế và các cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh kinh tế xanh, phát triển bền vững là chủ đề có tính toàn cầu, quan trọng và cấp thiết. Điều này đòi hỏi sự kết nối giữa Chính phủ với địa phương và doanh nghiệp.
Cùng với đó, Việt Nam cũng cần kết nối với thế giới bởi dù là nước đang phát triển hay phát triển, biến đổi khí hậu vẫn luôn là vấn đề toàn cầu. Đã đến lúc các quốc gia có cách nhìn nhận, không còn là khẩu hiệu hay lời kêu gọi, mà chuyển đổi trạng thái nhận thức, sang hành động xuất phát từ từng cá nhân, doanh nghiệp, địa phương và mỗi quốc gia.
Dù quyết định có những khó khăn nhưng vẫn phải thực hiện. Kinh tế xanh là nhiệm vụ và xu thế không thể đảo ngược, lựa chọn tất yếu mà chúng ta phải chuyển đổi để giữ gìn trái đất.” -Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Về phía địa phương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Lê Tiến Châu cho biết, tỉnh nhận thức sâu sắc rằng, tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng nhằm giữ vững và tạo đà tăng trưởng bền vững cho hiện tại và trong tương lai, Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong của cả nước, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thành phố Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế-xã hội.
Theo các ý kiến của chuyên gia, Việt Nam đang cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh” với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, bảo đảm tăng trưởng xanh, hướng tới thực hiện thành công cam kết Net-Zero vào năm 2050 và phát triển bền vững. Đây được xem là cuộc Đổi mới xanh/cách mạng công nghiệp xanh và trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.
Nắm bắt xu hướng kinh tế xanh
Theo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu (EC) về quy mô thị trường toàn cầu hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt hơn 5.000 tỷ USD và có thể tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030 nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.
Kinh tế xanh còn tạo ra cơ hội để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị xanh, công trình xanh, tài chính xanh.
Theo đó, việc nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, cho các ngành, lĩnh vực kinh tế có ý nghĩa cấp thiết và sống còn. Trên bình diện quốc gia, Chiến lược về tăng trưởng xanh còn thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng và bền vững.
Kinh tế xanh đã và đang được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn có tính pháp chế cao, được đề cập trong các cam kết thương mại quốc tế. Biên giới carbon đã đi vào hiệu lực từ 1/10/2023, quy định về chống mất rừng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 và tiếp tục thế giới sẽ ban hành dấu chân nhựa và biên giới nhựa. Theo đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường là yêu cầu bắt buộc.
Tại Việt Nam, các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Từ năm 2023, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính tự nguyện. Đến năm 2025, kiểm kê phát thải khí nhà kính sẽ là bắt buộc với các doanh nghiệp.
Cũng trong Luật này, quy định thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng được xác định rõ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là những công cụ chính sách thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp tại Việt Nam thời điểm này.
Phiên toàn thể Diễn đàn Vietnam Connect 2024 tập trung bàn thảo và cập nhật các xu hướng mới có tính quốc tế về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế Net Zero, đồng thời qua thực tiễn hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương, các ngành kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, phản ánh tiến trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.
Các phiên tham luận, thảo luận của Diễn đàn trao đổi về kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh. Qua đó, giúp các cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI hoạch định các chiến lược phù hợp và hiệu quả hơn, đồng thời từ thực tiễn khuyến nghị chính sách tạo thuận lợi và động lực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Vinh danh những doanh nghiệp FDI tiêu biểu
Tiếp nối Phiên toàn thể Diễn đàn Vietnam Connect 2024 là Lễ công bố và vinh danh các doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2023 nhận giải thưởng Rồng Vàng (Golden Dragon Awards) lần thứ 23.
Golden Dragon Awards năm 2024 đã tập trung bình xét các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, bảo đảm phát thải carbon thấp trong quy trình sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, quan tâm, chú trọng và có kế hoạch thực thi ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Các doanh nghiệp tiên phong công bố lộ trình hướng tới Net-Zero của doanh nghiệp, góp phần vào mục tiêu thực hiện thành công cam kết Net-Zero của Việt Nam vào năm 2050.
Năm 2024, ban tổ chức nhận được hơn 486 đề cử và đăng ký tham gia. Qua 2 vòng khảo sát và bình xét, Golden Dragon Awards 2024 công bố và vinh danh Top 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu ở 6 nhóm ngành, bao gồm: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghệ số & dịch vụ số; dịch vụ tài chính và bảo hiểm; phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và bất động sản; giáo dục và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống.
Top 10 thương hiệu xuất sắc được vinh danh Golden Dragon Awards 2024 tiêu biểu như: Samsung, LG Display, Intel, Qualcomm, Heineken, UOB, HSBC, Lego, SCG, Coca-Cola.
Huy Thạch