Thị trường carbon ở Việt Nam
Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết với thế giới về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Đây không chỉ là quyết tâm vì lợi ích quốc gia mà còn là mục tiêu phát triển tất yếu của giới, đồng thời cũng là luật chơi mới về kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, việc “nhập cuộc” chuyển đổi như thế nào để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 không phải điều dễ dàng. Mới đây, King & Wood Mallesons đã phân tích điều hướng quá trình chuyển đổi sang Net Zero ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, khái niệm thị trường carbon vẫn còn khá mới mẻ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (1997). Các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới đã xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm, hấp thụ phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, thế giới giao dịch tín chỉ carbon trên hai thị trường là bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Hai thị trường carbon lớn nhất thế giới hiện nay là châu Âu và Mỹ.
Thị trường carbon tự nguyện là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.
Thế giới hiện có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Tại Việt Nam, thị trường carbon đang được triển khai xây dựng với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã đề xuất thực hiện mô hình thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon nhằm tăng sức cạnh tranh theo hướng phát triển kinh tế ít phát thải, tăng trưởng xanh.
Theo đó, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon bắt đầu từ năm 2025, việc hoàn thiện khung pháp lý được dự kiến vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2028.
Như vậy, đến năm 2028, Việt Nam sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện. Đến lúc đó, doanh nghiệp có thể mua bổ sung tín chỉ bù đắp carbon để đạt mục tiêu Net Zero.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0. Do đó, cần phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Theo King & Wood Mallesons, những nỗ lực định giá carbon ở Việt Nam bao gồm việc áp dụng chính sách thuế carbon và đề án kiểm soát khí thải – được thí điểm từ năm 2025.
Thuế carbon ở Việt Nam
Thuế carbon được xem là một chính sách kinh tế và là một công cụ hiệu quả về mặt chi phí để khuyến khích giảm phát thải khí nhà kính tại nơi diễn ra phát thải theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả phí. Theo Ngân hàng Thế giới, hiện nay có tới 40 quốc gia và 20 thành phố áp dụng thuế carbon hoặc loại hình kinh doanh liên quan phát thải khí carbon, nhằm thúc đẩy nền kinh tế giảm phát thải.
Hiện nay, Việt Nam chưa áp dụng thuế carbon nhưng đang áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với một số loại nhiên liệu như xăng và dầu diesel. Chính phủ đang xây dựng lộ trình áp dụng thuế carbon bằng cách đưa vào thuế bảo vệ môi trường hoặc đưa vào thành một loại thuế riêng.
Điều này được ông Nguyễn Anh Minh, Luật sư thành viên của NHQuang & Cộng sự đồng tình và cho rằng, thuế bảo vệ môi trường cùng với phí bảo vệ môi trường được coi là tương thích với thuế carbon trong số các loại thuế và phí khác nhau ở Việt Nam.
Vào tháng 7/2021, Ủy ban Châu Âu (EC) đã trình đề xuất về quy định thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) như một trong những sáng kiến nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Đến ngày 17/8/2023, EC đã thông qua quy định thực hiện CBAM, đưa ra các quy định cụ thể cho giai đoạn chuyển tiếp, bao gồm các phương pháp tính toán phát thải tích hợp trong quá trình sản xuất của các hàng hóa thuộc phạm vi CBAM. Ngoài ra, EC cũng ban hành các tài liệu hướng dẫn và công cụ IT cho các nhà nhập khẩu trong EU và các doanh nghiệp ngoài EU.
Các chuyên gia cho rằng, dựa trên kinh nghiệm áp dụng thuế carbon của một số nước trên thế giới và thực tiễn hệ thống thuế hiện nay ở Việt Nam, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình thực tế khi áp dụng thuế carbon nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực lên xã hội và nền kinh tế hiện tại.
TS. Vũ Thị Loan Đại học Kinh tế – ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng, Việt Nam có thể cân nhắc tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường bởi cả hai loại thuế này có nhiều điểm tương thích với nhau về đối tượng chịu thuế dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Hơn nữa, thuế bảo vệ môi trường phần nào đã tính đến việc thu thuế để đạt được giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, việc quản lý thuế carbon trên cơ sở quản lý thuế bảo vệ môi trường là một lợi thế nhằm giảm nhân lực, chi phí hành chính liên quan giúp việc áp dụng thuế carbon có tính khả thi hơn.
Tuy nhiên, TS. Loan cũng đưa ra khuyến nghị cần ban hành nghị định về việc hạch toán riêng phần thuế carbon trong thuế bảo vệ môi trường, quy định rõ mục đích, phương thức sử dụng khoản thu này cho lĩnh vực môi trường nhằm tránh việc nguồn thu từ thuế carbon sẽ không thể hạch toán riêng để chi cho các hoạt động bảo vệ môi trườn, làm giảm vai trò của thuế carbon trong mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Chương trình kiểm định khí thải được thí điểm từ năm 2025
Việt Nam có kế hoạch thành lập và thử nghiệm Sàn giao dịch mua bán carbon (CTX) từ năm 2025 và dự kiến đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2028. Việc thành lập và triển khai thị trường carbon được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
Đến năm 2027, Việt Nam dự kiến đã xây dựng các quy định quản lý tín dụng carbon, trao đổi hạn ngạch phát thải GHG và tín dụng carbon, và các quy tắc hoạt động cho CTX. Đồng thời đã thử nghiệm các cơ chế trao đổi và bù trừ carbon trong các lĩnh vực chính và cung cấp hướng dẫn về hoạt động của CTX và các cơ chế bù trừ theo luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế mà Việt Nam là bên ký kết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính đã hợp tác với Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) để tạo ra một công cụ mô phỏng CTX thí điểm và nền tảng học tập thông qua thực hành cho các bên liên quan chính nhằm nâng cao nhận thức của họ về giá carbon. Những phát hiện và bài học kinh nghiệm chính từ dự án này sẽ đưa vào các khuyến nghị chính sách cụ thể để chính phủ triển khai CTX vào năm 2027.
Theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải. Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ kiểm định khí thải. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Hà My