Để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường carbon.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon. Ước tính riêng lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đã có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế.
Với những tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư và cung cấp các giải pháp nhằm phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp kết nối đầu tư do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, phối hợp cùng Liên minh Tư vấn Đầu tư Quốc tế – Invest Global, tổ chức ngày 9/9/2024 tại Hà Nội, đại diện ReNew Energy Global – một công ty cung cấp giải pháp khử cacbon có trụ sở tại Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác để phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Việt Nam có thể tham khảo những giải pháp từ Ấn Độ
ReNew Energy Global là công ty cung cấp các giải pháp khử cacbon thông qua sự kết hợp giữa hydro xanh , các giải pháp dựa trên dữ liệu, lưu trữ, sản xuất và thị trường cacbon. Do đó, tại cuộc gặp, đại diện công ty đã đề xuất ứng dụng dự án theo mô hình một cửa (one-stop) dựa trên tính khả thi cũng như hiệu quả thực tế mà công ty đã ứng dụng để Việt Nam có thể tham khảo trong phát triển thị trường tín chỉ carbon. Dự án được xây dựng dựa trên 4 giải pháp chính.
Giải pháp đầu tiên là tránh phát thải carbon bằng việc xây dựng các dự án năng lượng. ReNew Energy Global ghi nhận đã bán 15 triệu tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn CDM, VERRA & GS (tương đương 12% thị phần toàn cầu) vào năm 2021.
Giải pháp thứ hai là giảm thiểu phát thải carbon thông qua sử dụng đồ gia dụng trong gia đình sử dụng nguồn nhiên liệu sạch khi nấu ăn, lọc nước.
Theo ReNew Energy Global, các loại bếp nấu ăn đã được cải tiến có thể tăng hiệu quả sử dụng lên 38% so với bếp truyền thống, giảm 60% việc sử dụng nhiên liệu rắn, tương đương 1.5 tín chỉ carbon.
Trong khi đó, bếp sử dụng nhiên liệu gas sinh học (Bio Gas) giúp tăng hiệu quả sử dụng lên đến 60% so với bếp truyền thống, giảm 100% việc sử dụng nhiên liệu rắn, tương đương 3-3,5 tín chỉ carbon.
Bếp sử dụng năng lượng mặt trời giúp tăng hiệu quả sử dụng lên đến 65% so với bếp truyền thống, giảm 100% việc sử dụng nhiên liệu rắn, tương đương 3 tín chỉ carbon.
Hiệu quả nhất là bếp sử nhiên liệu cồn sinh học (Bio Ethanol) giúp tăng hiệu quả sử dụng lên đến 65% so với bếp truyền thống, giảm 100% việc sử dụng nhiên liệu rắn, tương đương 5 tín chỉ carbon.
Giải pháp thứ ba là dựa vào thiên nhiên. Cụ thể, về nông lâm nghiệp, trồng cây trên xen canh trong các trang trại nông nghiệp và các thửa đất thừa/bị thoái hóa của cộng đồng nông dân địa phương để đảm bảo thu nhập bổ sung cho cộng đồng.
Về trồng rừng/tái trồng rừng, trồng rừng ở những khu vực bị thoái hóa/phá rừng với sự hỗ trợ của cộng đồng, sở lâm nghiệp và các tổ chức phi chính phủ tại địa phương
Về quản lý rừng, cần cải tiến quản lý rừng cải tiến (Improved Forest Management – IFM) và hỗ trợ tái sinh tự nhiên, hỗ trợ cô lập carbon hơn nữa bằng cách hỗ trợ sự phát triển của rừng.
Về vùng đất ướt, đảm bảo quản lý bền vững các khu rừng ngập mặn hiện có và đảm bảo mở rộng các đồn điền ở các khu vực bị suy thoái.
Về cơ chế mới giảm phát thải khí nhà kính từ rừng REDD+, bảo vệ, bảo tồn và quản lý các khu rừng hiện có cùng với các hoạt động phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.
Về các hoạt động nông nghiệp, chuyển sang hệ thống thâm canh lúa (kỹ thuật phủ rơm rạ, phân hữu cơ, ủ phân trùn quế, Không cày xới…).
Giải pháp thứ tư là dựa trên công nghệ như ứng dụng công nghệ.
Hiện nay, ReNew Energy Global có thể cung cấp các công nghệ như than sinh học (loại bỏ carbon vĩnh viễn khỏi khí quyển bằng cách chuyển đổi carbon có trong sinh khối chất thải thành carbon ổn định và sử dụng nó trong các ứng dụng đất hoặc không phải đất); chọn nguồn thu và lưu trữ carbon (tập trung vào việc thu giữ khí thải carbon từ các nguồn công nghiệp, tách carbon từ khí thải công nghiệp và lưu trữ vĩnh viễn); sử dụng các quy trình hóa học hoặc vật lý để chiết xuất carbon trực tiếp từ không khí xung quanh; tăng cường phong hoá đá (đẩy nhanh quá trình phong hóa tự nhiên, từ đó loại bỏ carbon khỏi khí quyển, lưu trữ vĩnh viễn trong khoáng chất cacbonat rắn hoặc đại dương có độ kiềm cực đại).
5 thành phần giúp dự án đi vào hoạt động
Để một dự án vận hành theo mô hình một cửa đi vào hoạt động, theo ReNew Energy Global, cần có sự tham gia của 5 thành phần.
Đầu tiên là nhà đầu tư. Nhà đầu tư có vai trò cung cấp tổng mức đầu tư theo kế hoạch/mô hình; Tạo và bán tín chỉ theo đúng lộ trình
Thứ hai là nhà phát triển dự án, sẽ đăng ký dự án carbon và giám sát mọi hoạt động phát triển dự án; Phát triển dự án đáp ứng mọi tiêu chuẩn; Tham gia liên tục thông qua giám sát và phản hồi từ các đối tác địa phương.
Thứ ba là điều phối viên carbon/tư vấn kỹ thuật. Họ sẽ phát triển các tài liệu mô tả dự án và đáp ứng mọi yêu cầu/tiêu chuẩn một cách độc lập; Giám sát các dự án và chuẩn bị báo cáo.
Thứ tư là các đối tác thực hiện dự án, sẽ phối hợp và đảm bảo thực hiện mọi hoạt động thực địa theo kế hoạch dự án; Thực hiện mọi hoạt động đào tạo và thu hút nông dân theo đúng lộ trình.
Cuối cùng là cộng đồng địa phương, có vai trò chuẩn bị đất, đồng ý cho triển khai dự án carbon; Thực hiện các hoạt động theo yêu cầu của dự án.
Đại diện ReNew Energy Global tin tưởng Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường tín chỉ carbon. “Chúng tôi đang trong giai đoạn tìm hiểu điều kiện thực tế của Việt Nam để cung cấp tài chính cũng như công nghệ giúp phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam”, đại diện nhấn mạnh.
Ngọc Lan