Phát biểu tại sự kiện liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tiến tới Net Zero, ông Hoàng Đức Vượng – Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh Việt Nam thông tin: Các nước nhập khẩu lớn đã và đang có nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu xanh. Theo quy định tại Nghị định 06 của Chính phủ, sàn giao dịch carbon sẽ được vận hành thí điểm vào năm 2025 nhưng hiện nay, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đều bày tỏ quan tâm xem năng lượng xanh lấy từ đâu, trao đổi carbon ở đâu?
Theo ông Hoàng Đức Vượng, đây là hai câu hỏi lớn của nhà đầu tư thay cho vấn đề quan tâm trước đây của họ liên quan đến chi phí lao động.
Cách đây không lâu, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh bày tỏ nguyện vọng của các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng sớm ban hành chương trình giảm phát thải nhà kính theo lộ trình cụ thể, xây dựng bộ chỉ số xanh (green index), thành lập thị trường tín chỉ carbon cùng các chính sách phát triển năng lượng sạch, điện mặt trời mái nhà… Những kiến nghị này được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xu thế phát triển xanh đang phát triển mạnh mẽ tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp giao dịch tín chỉ carbon đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế độc lập theo cơ chế tự nguyện. Điển hình như một doanh nghiệp thành viên của Intraco đã nhận về hơn 20 triệu USD và chuyển giao cho đối tác là Citigroup hơn 1 triệu tín chỉ carbon trong tổng số 7,9 triệu tín chỉ carbon sẽ chuyển giao trong các năm từ 2022 – 2024.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới đã chi 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng) để mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trong giai đoạn 2018 – 2024. Một phần khoản tiền này sẽ quay lại hỗ trợ các tỉnh Bắc Trung Bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế cho người dân giữ rừng.
Giao dịch này tuy bản chất không hẳn mang tính thị trường mà được xem là khoản hợp tác, hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Tuy nhiên, giao dịch này cũng được đánh giá là một tín hiệu tích cực cho việc thúc đẩy vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho Việt Nam. Thị trường tín chỉ carbon không chỉ hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế xanh.
Ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đánh giá: thị trường tín chỉ carbon đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn. Tại thị trường tín chỉ carbon, doanh nghiệp đã xanh hoá, kiểm soát tốt lượng phát thải trong sản xuất, không dùng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ có thể bán hạn ngạch phát thải cho các doanh nghiệp phát thải nhiều, vượt quá hạn mức để có thêm nguồn thu. Ngược lại, doanh nghiệp không đủ xanh, phát thải vượt hạn ngạch sẽ phải bỏ chi phí mua lại hạn ngạch phát thải.
Hiện nay, theo ông Nguyễn Bá Hùng, phần nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ, xanh hoá sản xuất chưa nhận được lợi ích và động lực trên. Xanh hoá sản xuất với doanh nghiệp được xem như bước chuẩn bị tích cực để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, tận dụng cơ hội đầu tư thương mại và đóng góp chung cho phát triển bền vững.
Hạnh Lê