Tại Việt Nam, ESG đang ngày càng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để thúc đẩy việc áp dụng ESG hiệu quả.
Đây là một ý kiến được trao đổi tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam và Tọa đàm “Net Zero – cam kết và hành động vì tương lai bền vững” do Báo Dân trí và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức chiều ngày 22/5 tại Hà Nội.
Theo ông Phạm Tuấn Anh – Tổng Biên tập Báo Dân trí, ESG (Environmental (Môi trường) – Social (Xã hội) – Governance (Quản trị) là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của DN. Khái niệm này ngày càng được chú ý trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và đầu tư.
ESG đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ESG đang ngày càng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để thúc đẩy việc áp dụng ESG hiệu quả. Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định: Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội có mối quan hệ mật thiết với ESG. Việc thực hiện tốt các chính sách về lao động, thương binh và xã hội sẽ góp phần tạo dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Ngược lại, phát triển kinh tế bền vững cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và cải thiện đời sống xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để phát triển ESG trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển ESG trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Theo báo cáo của các quốc gia tại Hội nghị COP27 (Ai cập 2022), trong gần 150 quốc gia cam kết thực hiện mục tiêu NetZero, Việt Nam là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai cam kết bằng việc ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh.
NHNN là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế. Ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Thống đốc chia sẻ, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, xây dựng quy chế thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.
Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay: Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo quy định tại Thông tư 17/2022/TT-NHNN.
Chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp; đồng thời hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.
Ngoài ra, NHNN sẽ tích cực tham gia các Diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững; đồng thời thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững…
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam là một trong những nước đi đầu tại Đông Nam Á về thể chế hóa kinh tế tuần hoàn trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Với yêu cầu của kinh tế tuần hoàn thì yêu cầu cả chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững, điều tra thăm dò, thiết kế, chế biến, phân phối, thu gom, vận chuyển,… tái chế và tài sử dụng chất thải. Trong điều 142 quy định cả các bộ ban ngành, địa phương phải lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược của mình, phải lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chuỗi sản xuất bền vững. Mục tiêu của chúng ta không chỉ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà còn hướng tới rác thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong khuôn khổ Lễ ra mắt, Diễn đàn ESG Việt Nam cũng ra mắt Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam. Diễn đàn ESG Việt Nam sẽ được Báo Dân trí tổ chức thường niên từ năm 2024 với ác hoạt động chính gồm hội thảo, tọa đàm, các sự kiện chuyên đề… Điểm nhấn của Diễn đàn ESG Việt Nam sẽ là hội thảo theo chủ đề cùng lễ vinh danh các tổ chức, đơn vị hướng đến phát triển bền vững được tổ chức hàng năm. Năm nay, Diễn đàn ESG Việt Nam và lễ vinh danh sẽ dự kiến diễn ra vào quý IV.
Anh Minh