Cột mốc quan trọng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Sau 2 ngày họp ở Turin (Ý), hôm 30/4, Hội nghị cấp bộ trưởng G7 về khí hậu, năng lượng và môi trường ra tuyên bố chung cho biết, các nước G7 cam kết loại bỏ dần nhiệt điện than không sử dụng công nghệ thu giữ khí thải nhà kính trong nửa đầu thập niên 2030.
Tuyên bố chung đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của các thành viên G7 gồm Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada, những nước đã không thể đạt được thỏa thuận loại bỏ dần than sau nhiều năm đàm phán. Đây là lần đầu tiên các nền kinh tế G7, chiếm khoảng hơn 20% lượng phát thải carbon toàn cầu, đặt ra thời hạn chấm dứt sử dụng nhiệt điện than có mức phát thải cao.
Tuy nhiên, tuyên bố chung nới lỏng cam kết trên cho một số nước G7 đang phụ thuộc lớn vào than như Nhật Bản và Đức. Cụ thể, tuyên bố cho phép họ quyền lựa chọn đặt ra thời hạn chấm dứt sử dụng nhiệt điện than không thu giữ khí thải phù hợp với mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
“Cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch phải diễn ra có trật tự. Từ quan điểm này, chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận cân bằng”, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Ken Saito nói.
“Cam kết này một tín hiệu rất mạnh mẽ từ các nước công nghiệp phát triển để thúc đẩy thế giới giảm sử dụng than”, ông Gilberto Pichetto Fratin, Bộ trưởng An ninh năng lượng và môi trường Ý bình luận.
G7 đạt được thỏa thuận trên chỉ vài ngày sau khi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) ra các quy định mới, yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than phải thu giữ gần như toàn bộ khí nhà kính hoặc đóng cửa trước năm 2040. Hiện nay, nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 16% tổng sản lượng điện hàng năm ở Mỹ. Ở Anh, hoạt động sản xuất điện than sẽ kết thúc hoàn toàn vào năm nay với việc nhà máy nhiệt điện than Ratcliffe-on-Soar ở Nottinghamshire đóng cửa vào tháng 9. Ở Canada và Ý, điện than chiếm chưa đến 6% tổng cơ cấu nguồn điện. Nhưng nguồn năng lượng này lại chiếm 32% cơ cấu điện năng của Nhật Bản và 27% của Đức.
Ngoài ra, các bộ trưởng của G7 đặt mục tiêu toàn cầu là tăng công suất lưu trữ điện gấp 6 lần, từ 230 GW trong năm 2022 lên 1.500 GW vào năm 2030. Tuyên bố chung nhấn mạnh, G7 sẽ thúc đẩy phát triển và triển khai các hệ thống pin trữ điện cố định để tăng hiệu quả lưu trữ.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), chi phí pin đã giảm hơn 90% trong 15 năm qua và đó là một trong những mức giảm chi phí nhanh nhất trong công nghệ năng lượng sạch.
Tuyên bố chung của G7 vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục đầu tư vào khí đốt. Dù tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc cuối năm ngoái, các nước nhất trí đóng góp cho các nỗ lực toàn cầu để chuyển tiếp khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng. Các bộ trưởng của G7 cho rằng, các khoản đầu tư vào lĩnh vực khí đốt có thể phù hợp như một phản ứng tạm thời trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, với cuộc xung đột Nga – Ukraine đang khiến nguồn cung khí đốt sang châu Âu bị bóp nghẹt.
Kế hoạch của G7 bị chỉ trích “quá ít, quá muộn”
Andrew Bowie, Bộ trưởng hạt nhân và năng lượng tái tạo của Anh ca ngợi cam kết chấm dứt sử dụng nhiệt điện than ô nhiễm của G7 vào năm 2035 là một “thỏa thuận lịch sử”. Tuy nhiên, tổ chức môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) chỉ trích kế hoạch này của G7 là “quá ít, quá muộn”.
Tracy Carty, chuyên gia chính trị khí hậu toàn cầu của Greenpeace International cho rằng, các nước G7 cần chấm dứt sử dụng nhiệt điện than trước năm năm 2030. Bà nhấn mạnh, với tình trạng khẩn cấp khí hậu hiện nay, G7 cần cam kết dần loại bỏ nhanh chóng tất cả các nhiên liệu hóa thạch bao gồm cả dầu thô và khí đốt.
Cho đến nay, hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng là nguyên nhân lớn nhất gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Năm ngoái là năm nóng kỷ lục cả trên đất liền lẫn ở các đại dương. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng tính đến tháng 3/2024 cao hơn 1,58 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp từ năm 1850 đến năm 1900. Trong khi đó, mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris là kiểm soát mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C được đo lường trong hơn một thập niên.
Theo IEA, để thế giới có thể đạt mức phát thải ròng carbon bằng zero vào năm 2050 (Net-Zero), các nền kinh tế tiên tiến phải chấm dứt mọi hoạt động sản xuất nhiệt điện than không sử dụng công nghệ hạn chế hoặc thu giữ carbon vào năm 2030.
Luca Bergamaschi, đồng sáng lập của tổ chức nghiên cứu khí hậu ECCO (Ý) cho rằng, phép thử thực sự đối với uy tín của G7 dựa trên kế hoạch chuyển đổi từ khí đốt sang năng lượng tái tạo. Ông nói, điều này có nghĩa là giảm sự hỗ trợ của nhà nước đối với các khoản đầu tư khí đốt mới khi không có cơ sở nào cho thấy châu Âu cần hạ tầng mới để đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo các nhà phân tích, các nước G7 cần chuyển các mục tiêu trong thỏa thuận mới nhất vào chính sách ở mỗi nước. Họ lưu ý, tuyên bố chung của G7 chưa đưa ra các kế hoạch hỗ trợ tài chính mạnh mẽ để thúc đẩy thế giới chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Alden Meyer, nhà nghiên cứu ở tổ chức tư vấn khí hậu E3G cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 50, diễn ra ở thành phố Fasano (Ý) sắp tới, các bộ trưởng của G7 cần đặt ra kế hoạch hỗ trợ huy động các nguồn lực tài chính để giúp các nước đang phát triển khử carbon trong nền kinh tế. Đồng thời, có kế hoạch rõ hơn để ứng phó với tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.
Chánh Tài (Theo Financial Times, Euro News)