Chiều 21/10, trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) năm 2024 do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (Vietrade) – Bộ Công Thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Năng lượng tái tạo và Hiệu suất năng lượng.”
Hội thảo tập trung thảo luận về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng như các cơ chế, chính sách, pháp luật, quy định, tiêu chuẩn hướng đến mục tiêu về chuyển đổi năng lượng bền vững trong thời gian tới.
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết chuyển dịch năng lượng đang là một xu thế của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Để thực hiện chuyển dịch năng lượng hiệu quả, cần tập trung vào hai nhóm nhiệm vụ. Đầu tiên là thực hiện chuyển dịch trong việc sử dụng năng lượng đầu vào bằng cách chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ… sang nguồn năng lượng sạch, không phát thải như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hạt nhân…
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí nhà kính như các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính.
Theo ông Tăng Thế Hùng, tại Việt Nam, định hướng và nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện chuyển dịch năng lượng, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 được thể hiện rất rõ trong những chính sách ban hành gần đây, đặc biệt là trong Quy hoạch, phát triển tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện VIII.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang tham mưu cho Chính phủ thực hiện xây dựng một loạt khung chính sách và pháp luật để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nói riêng và toàn bộ ngành điện nói chung; trong đó có Luật Điện lực sửa đổi, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch…
Là đơn vị phát triển nhiều dự án quản lý, xây dựng và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam hiện nay, ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) tại Việt Nam, chia sẻ nhu cầu về vốn cho năng lượng tái tạo ngày càng lớn.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đã có những cam kết về kinh tế xanh, năng lượng xanh. Việt Nam đặt ra mục tiêu về Net Zero vào năm 2050, vì vậy, điện gió ngoài khơi là một trong những giải pháp quan trọng. Có thể nhận thấy rằng về lâu dài, năng lượng xanh là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững.
Ông Stuart đề xuất các diễn đàn và các tổ chức năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi tại Việt Nam hỗ trợ cung cấp các thông tin cũng như tài liệu cho các bộ, ban ngành trong việc hoàn thiện các quy hoạch và quy định để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và hướng tới đạt được các mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Bên cạnh đó, ông Stuart cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi các kỹ năng và các đơn vị cung cấp trong ngành dầu khí ngoài khơi sang điện gió ngoài khơi. Chuỗi cung ứng và lực lượng lao động hiện tại của Việt Nam từ ngành công nghiệp dầu khí có thể tạo điều kiện hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Đề cập đến vấn đề giá điện hiện nay, ông Nguyễn Thanh Hải, đối tác tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Baker & McKenzie (Việt Nam), cho hay giá trong thỏa thuận mua bán điện trực tiếp theo Nghị định 80/2024/NĐ-CP ban hành ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn là một trong những điều mà nhà đầu tư và khách hàng quan tâm.
Việc mua bán điện trực tiếp trong quy định pháp luật được thực hiện thông qua hai hình thức: mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng và mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Thanh Hải, mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.
Trong khi đó, hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia theo hợp đồng kỳ hạn giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền.
Trong khi đó, ông Ananth Chikkatur, Giám đốc Chương trình năng lượng phát thải thấp II (V-LEEP II)-USAID Việt Nam chia sẻ, Quy hoạch Điện VIII tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh năng lượng tái tạo, có thể tạo ra những chuyển đổi lớn về năng lượng tái tạo trong vài năm tới, tạo nên sự ổn định và chắc chắn về năng lượng trong tương lai dài hạn.
Bên cạnh đó, ông Ananth Chikkatur cho rằng ngoài những chính sách về năng lượng cần có thêm những cơ chế trao đổi tín chỉ carbon./.
Hồng Giang