Ông đánh giá như thế nào về tác động của ngành logistics tới môi trường?
Sự bức thiết của việc chuyển đổi xanh xuất phát từ các cam kết của Chính phủ, đồng thời cũng từ yêu cầu của thị trường, yêu cầu của khách hàng. Khi tham gia vào các chuỗi cung của khách hàng quốc tế, họ đã đặt ra những yêu cầu liên quan đến chiến lược, biện pháp, hành động kiểm soát phát thải từ phía doanh nghiệp. Do đó, phải nhìn nhận việc xanh hóa chuỗi logictics đến nhanh hơn nhiều so với lộ trình cam kết. Ngành logistics Việt Nam phải đi trước, đạt được Net Zero trước mốc 2050.
Ngành logistics và vận tải chịu trách nhiệm 1/3 lượng phát thải, vì vậy, khi thực hiện các cam kết Net Zero thì xanh hóa ngành logistics là việc bức thiết và phải được được ưu tiên. Đặc biệt, tại Việt Nam mới chủ yếu phát triển vận tải bộ trong khi đây là loại hình chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Do đó chắc chắn đây cần là lĩnh vực ưu tiên, nhất là cải thiện vấn đề rác thải của lĩnh vực đường bộ. Sau đó là những lĩnh vực logistics liên quan khác như: kho bãi, vận tải quốc tế cũng phải đưa vào các lộ trình cắt giảm. Đi đôi với cắt giảm phát là tối ưu hóa mô hình vận tải, tức là thúc đẩy mô hình vận tải xanh, chẳng hạn như vận tải đường sắt, vận tải đường thủy nội địa…
Theo ông, những hạn chế của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi xanh là gì?
Với ngành logistics, “xanh hoá” không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hoá thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu.
Khi chuyển đổi xanh chắc chắn doanh nghiên cần có đầu tư ban đầu. Chẳng hạn một doanh nghiệp về kho, bãi khi muốn “xanh hóa” hoạt động của mình thì có thể chuyển sang lắp điện áp mái, sử dụng xe nâng chạy điện… việc đầu tư ban đầu có thể tốn kém hơn về tài chính và hiệu quả chưa đến ngay nhưng xét về mặt lâu dài sẽ có tác động đến việc tiết kiệm nhiên liệu, tối ưu hóa vận hành và đặc biệt là gia tăng được số lượng khách hàng, tăng được nguồn thu và cắt giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh.
Nói đến chuyển đổi xanh phải đi đôi với chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa so với quốc tế. Áp dụng công nghệ trong chuyển đổi số đúng là sẽ gây áp lực chi phí đầu tiên, nhưng hiệu quả vận hành sẽ bù đắp cho chi phí đã bỏ ra.
Thách thức về nguồn lực tài chính, về trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực cũng như vấn đề quản trị cũng là điểm nghẽn với các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo khách hàng, khuyến cáo doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ số, chuyển đổi xanh, thực ra đó đầu tư cho tương lai và chắc chắn đó là bài toán đầu tư hiệu quả.
Thực tế các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đã có nỗ lực ra sao trong việc chuyển đổi xanh?
Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được về vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững để có định hướng phát triển đối với hoạt động này. Báo cáo Logistics 2022 cho thấy, có tới 73,2% doanh nghiệp cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được về vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững để có định hướng phát triển đối với hoạt động này. Bên cạnh đó, có tới gần 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho biết họ có thực hiện kiểm soát môi trường tại doanh nghiệp. Minh chứng về sự quan tâm của doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi xanh là chúng ta đã có các doanh nghiệp lớn phát triển được cảng xanh, bưu cục di động, kho bãi xanh… Trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa với lợi thế linh hoạt cũng đã và đang hưởng ứng với xu hướng logistics xanh, lan tỏa thông điệp ý nghĩa về môi trường và thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, dù đã có cơ chế cho phát triển nhưng việc thực hiện các quy định trong thực tế vẫn đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, các quy định và chính sách hiện tại mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Trong khi đó, logistics là một chuỗi dịch vụ. Việc hạn chế các quy định liên quan đến các loại cơ sở hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh. Ngoài ra, những chính sách về quy trình sản xuất để đảm bảo phát triển logistics xanh còn rất hạn chế, đặc biệt là những quy định về việc tái chế, sửa chữa và phục hồi chất thải, tái chế và phát triển bao bì thân thiện môi trường…
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng logistics hạn chế liên quan phương tiện vận chuyển và mạng lưới giao thông vận tải cũng là điểm nghẽn. Việt Nam mới chủ yếu phát triển vận tải bộ trong khi đây là loại hình chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải.
Theo ông, cần có sự hỗ trợ gì về cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp?
Hành trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bao giờ cũng là những thách thức vì họ thiếu nguồn lực tài chính, trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực cũng như vấn đề quản trị. Do đó những chương trình mang tầm quốc gia như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có những kế hoạch, chương trình ưu đãi, khuyến khích. Chẳng hạn như có chính sách ưu đãi tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó các chương trình đào tạo của các bộ, ban ngành chú trọng tới các doanh nghiệp nhỏ và cần phải đi vào những vấn đề cụ thể…
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Linh (thực hiện)