Ngành cá tra đã giúp mang về cho Việt Nam hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm (năm ngoái sản xuất 1,5 triệu tấn nguyên liệu mang về 2,4 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu – PV), tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động và có đóng góp đáng kể vào cơ cấu kinh tế cả nước nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất và xuất khẩu cũng như đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nhập khẩu, thì việc áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải là vấn đề được đặt ra để hướng tơi. Đây cũng là con đường nhằm tạo uy tín và thương hiệu cho loại thuỷ sản chủ lực này của ĐBSCL.
Cuộc chuyển tiếp từ truyền thống sang tuần hoàn
Tại hội thảo “hợp tác công tư trong chế biến thuỷ sản- kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chuỗi cá tra Việt Nam” được tổ chức vào tuần rồi ở thành phố Cần Thơ, ông Huỳnh Văn Hiền, Trưởng khoa Khoa quản lý và kinh tế thuỷ sản của Trường thuỷ sản (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, qua kết quả mô hình nuôi tuần hoàn nước được ứng dụng thực tế trong Trường thuỷ sản thời gian qua chưa mang lại hiệu quả về mặt kinh tế.
Theo đó, mô hình này sẽ không thay nước như hình thức nuôi truyền thống mà chỉ cấp nước một lần và được bổ sung thêm sau đó khi quá trình nuôi có một lượng nước bị thất thoát.
Kết quả của mô hình, theo ông Hiền, lượng nước sử dụng tiết kiệm hơn rất nhiều so với mô hình nuôi truyền thống, mà cụ thể chỉ sử dụng khoảng 880 lít nước để sản xuất ra 1 kg cá nguyên liệu so với 4.700 lít nước của phương thức nuôi truyền thống.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh hiệu kinh tế, ông Hiền cho biết, chi phí để hoạt động mô hình tuần hoàn này rất cao, dẫn đến kết quả thực nghiệm bị lỗ khoảng 1.300 đồng/kg. “Vấn đề đặt ra, đó là để sản xuất hiệu quả, nâng cao được giá trị, thì tôi nghĩ chi phí đầu tư không phải ít”, ông cho biết và nói rằng, cần một giải pháp mới để vừa nâng cao được giá trị, vừa đảm bảo hài hoà lợi ích đầu tư, nhất là ở khía cạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Trong khi việc áp dụng mô hình tuần ở khâu nuôi cá tra chưa mang lại hiệu quả kinh tế, thì phương thức sản xuất truyền thống hiện nay đang tạo ra một lượng rất lớn nguồn chất thải, bao gồm cả khí carbon.
“Con cá tra phát thải nhiều hay không?, ông Nguyễn Bá Thông, Quản lý chương trình của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) đặt câu hỏi và dẫn một nghiên cứu mới nhất cho thấy, để sản xuất 1 kg cá tra ở trang trại sẽ làm phát sinh 6-7 kg khí carbon. “Trước đây, có một số đánh giá chung chung là sản xuất 1 kg cá phát thải khoảng 2 kg khí carbon, nhưng hiện nay theo số liệu mới nhất là khoảng 7 kg”, ông cho biết.
Như vậy, với sản lượng cá tra được sản xuất ra vào năm ngoái là khoảng 1,5 triệu tấn có nghĩa lượng khí carbon phát thải ra là khoảng 9-10,5 triệu tấn.
Vậy, câu hỏi được đặt ra là lượng phát thải nằm ở đâu?
Theo ông Thông, lượng phát thải carbon nhiều nhất được nghiên cứu chỉ ra là ở thức ăn (đậu nành, bắp- PV). “Thức ăn liên quan đến đậu nành nhập khẩu, chứ không phải quá trình chế biến trong nước”, ông Thông giải thích và cho biết, Việt Nam nhập đậu nành đến 89%, trong khi đây là sản phẩm liên quan đến phá rừng (phá rừng trồng đầu nành- PV), “mà sản phẩm liên quan đến phá rừng sẽ bị thế giới gắn hệ số phát thải rất cao”, ông giải thích.
Bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam dẫn các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc phát triển nuôi cá tra đã tạo ra một lượng chất thải rất lớn. “Nếu tính mật độ nuôi trung bình là 200 tấn/héc ta (có nhiều trường hợp sản lượng nuôi lớn hơn- PV), thì lượng xả thải ra môi trường bên ngoài là 320 tấn chất hữu cơ”, bà cho biết.
Như vậy, với lượng cá được sản xuất vào năm ngoái là 1,5 triệu tấn đồng nghĩa đã có 2,4 triệu tấn chất hữu cơ thải ra môi trường.
Theo bà Hồng, đối với nghề nuôi cá tra, việc xử lý chất thải chủ yếu bằng thay nước (nước được thay ra sẽ đưa vào ao lắng trước khi xả ra môi trường- PV) rồi sử dụng thêm các chế phẩm sinh học và hút bùn đáy để quản lý chất lượng ao nuôi. “Rõ ràng, chúng ta thấy việc áp dụng công nghệ hiện đại quản lý ao nuôi còn hạn chế”, bà đánh giá.
Tìm kiếm và vận dụng linh hoạt giải pháp
Ông Thông của IDH nêu một giải pháp nhằm giúp giảm phát thải carbon trong ngành thủy sản, đó là hạn chế sử dụng sản phẩm đậu nành (kể cả bắp) trồng trên đất phá rừng. “Khi giảm được tình trạng này, thì chúng ta sẽ giảm được carbon trong ngành thuỷ sản”, ông nhấn mạnh và gợi ý, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi muốn đồng hành với ngành thủy sản, thì lưu ý nhiều đến nguồn đậu nành nhập khẩu phải trồng ở vùng đất không liên quan phá rừng.
Ngoài yếu tố nêu trên, theo ông Thông, tỷ lệ cá chết còn cao; bùn thải quá trình nuôi rất nhiều cũng dẫn đến phát thải lượng lớn khí nhà kính. “Một số phát thải trong quá trình chế biến và bảo quản cũng cần được quản lý tốt hơn nhằm kéo giảm phát thải khí carbon trong chuỗi ngành cá tra”, ông gợi ý.
Được biết, IDH hiện đang phối hợp với các đối tác thực hiện nghiên cứu để tận dụng bùn thải và các phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn thức ăn nuôi côn trùng. Qua đó, tận dụng lượng côn trùng để phục vụ sản xuất bột côn trùng, cung cấp trở lại cho sản xuất thức ăn nuôi cá tra nhằm thay thế một phần nguyên liệu nhập khẩu.
“Nếu doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ sản xuất bột côn trùng tốt, sẽ giúp giảm giá thành, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm và giảm hệ số phát thải”, ông Thông cho biết.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mục tiêu chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là từng ngành, lĩnh vực phải có nghiên cứu để giảm phát thải trong sản xuất. “Đối với thuỷ sản, chúng tôi đang chuẩn bị rất nhiều bước để chủ động đưa ra quy trình công nghệ thực hành sản xuất tốt, sáng kiến hay nhằm giảm phát thải trong lĩnh vực này”, ông cho biết.
Được biết, yêu cầu của thị trường nhập khẩu, nhất là với Liên minh châu Âu (EU) việc giảm phát thải trong quá trình sản xuất là yếu tố được đưa ra để xem xét, quyết định nhập khẩu sản phẩm. Do đó, việc chủ động đưa ra những sáng kiến, cách làm mới để không ảnh hưởng cho sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung là cần thiết.
Theo ông Luân, chuỗi ngành hàng cá tra rất dài, từ khâu giống, sản xuất vật tư đầu vào, quá trình nuôi, thu mua, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu…, mỗi mắt xích trong chuỗi này đều có thể đưa ra các sáng kiến cải tiến nhằm kéo giảm phát thải xuống thấp nhất có thể so với hiện nay.
Hợp tác công tư là một sáng kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cụ thể hoá các mục tiêu. “Khi các viện, trường, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước “bắt tay” chắc chắn sẽ có cách làm hay, giúp từng khâu chuỗi trong mắt xích có những nghiên cứu, ý tưởng phối hợp, từ đó đưa ra những giải pháp khoa học kỹ thuật để trong lĩnh vực thuỷ sản tốt hơn”, ông cho biết.
Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án chế biến ngành thuỷ sản giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện theo định hướng phát triển ngành chế biến thuỷ sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, khuyến khích áp dụng kỹ thuật trong chế biến, bảo quản, vận chuyển, giảm tổn thất sau thu hoạch nhằm tận dụng hiệu quả, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào; khuyến khích nghiên cứu các sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ phụ phẩm nhằm giảm phát thải và tận dụng tài nguyên hợp lý…
Trung Chánh