Trong báo cáo công bố hôm 11/4, OECD, có trụ sở ở Paris (Pháp) cho biết trong thập niên qua, số lượng biện pháp hạn chế xuất khẩu, thường ở dạng tăng thuế, đối với các khoáng sản quan trọng, tăng hơn 5 lần. Cụ thể, từ tháng 1/2009 đến tháng 12/2020, tổng số biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với khoáng sản công nghiệp tăng từ 3.337 lên 18.263. Hiện tại, khoảng 10% giá trị xuất khẩu nguyên vật liệu thô quan trọng trên toàn cầu đối mặt với ít nhất một biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Argentina và Kazakhstan nằm trong số những nước đưa ra nhiều hạn chế xuất khẩu khoáng sản trong giai đoạn 2009-2020, theo OECD. Các nước này nắm giữ một số trữ lượng khoáng sản quan trọng lớn nhất. Trung Quốc không chỉ là chiếm ưu thế trong sản xuất magiê mà còn cả mangan.
Bắc Kinh đã tăng số lượng biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên vật liệu thô quan trọng cần thiết cho xe điện và năng lượng tái tạo như lithium, cobalt và mangan lên gấp 9 lần trong 11 năm trước năm 2021.
Nhìn chung, cho đến nay, các hạn chế xuất khẩu như vậy gây tác động không nhỏ trên thị trường nguyên vật liệu thô quan trọng trên toàn cầu, ảnh hưởng đến sự sẵn có và giá cả của của chúng.
OECD nhấn mạnh sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ đẩy tăng chi phí chuyển đổi sang năng lượng sạch. Điều này cũng báo hiệu sự chuyển đổi quyền lực tiềm tàng từ các nước công nghiệp hóa ở phương Tây sang các nước giàu khoáng sản.
OECD cho biết các nước công nghiệp hóa ở phương Tây có mức độ phụ thuộc nhập khẩu khoáng sản quan trọng lớn hơn vào các nước không thuộc OECD như Trung Quốc, Nga và Nam Phi.
Các chính phủ giàu khoáng sản từ Indonesia đến Chile và Panama, đang đàm phán lại các loại thuế khai thác tài nguyên, đưa ra lệnh cấm xuất khẩu quặng thô.
Indonsesia đã cấm xuất khẩu quặng nickel kể từ năm 2020 nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến trong nước. Lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel của Indonesia bị Liên minh châu Âu (EU) khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng Indonesia khẳng định sẽ không thay đổi lập trường chính sách.
Theo Công ty tư vấn hàng hóa CRU, Indonesia là nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới, đóng góp 38% nguồn cung nickel tinh chế toàn cầu. Indonesia cũng nắm giữ 25% trữ lượng nickel của thế giới.
Nickel là một trong những kim loại quan trọng được sử dụng trong pin lithium-ion được sử dụng phổ biến ở xe điện.
Nhu cầu đối với các khoáng chất quan trọng như lithium, nickel và đồng tăng vọt trong thập niên qua này vì chúng rất quan trọng đối với tiến trình chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch. Ví dụ, xe điện sử dụng lượng đồng gấp ba lần so với xe động cơ đốt trong.
OECD lưu ý nhiều khoáng sản quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng tập trung ở chỉ ở một vài nước . Chẳng hạn, Cộng hòa Dân chủ Congo nắm giữ phần lớn lượng cobalt trên toàn cầu và Trung Quốc gần như độc quyền sản xuất magiê.
Nhu cầu toàn cầu đối với các khoáng sản như lithium, than chì và nickel , đóng vai trò thiết yếu trong lĩnh vực công nghệ xanh, được dự đoán sẽ tăng vọt trong những thập niên tới khi các chính phủ hướng tới mục tiêu phát thải zero ròng. Ví dụ, để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, OECD dự báo nhu cầu lithium vào năm 2040 sẽ tăng gấp 42 lần so với hiện tại, trong khi nhu cầu than chì sẽ tăng gấp 25 lần.
Trong những năm gần đây, các nhà nhập khẩu lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tăng cường nỗ lực cắt giảm các hạn chế xuất khẩu đồng thời đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật thô quan trọng. Các chính sách như Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ và Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng của EU khuyến khích phát triển nguồn cung thay thế tại địa phương và các thị trường thân thiện. Ví dụ, tháng trước, Mỹ và Nhật Bản ký một thỏa thuận song phương nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng và thúc đẩy việc áp dụng công nghệ pin xe điện.
Theo OECD, bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tăng lên, nhu cầu đối với những khoáng sản quan trọng vẫn tăng. Giá trị thương mại trong lĩnh vực này tăng 38% trong giai đoạn 2009-2019 Lithium, thành phần quan trọng trong pin xe điện, có bước nhảy vọt lớn nhất với mức tăng 438%.
Nhu cầu gia tăng và nguồn cung thắt chặt đã gây áp lực lên giá cả và tính sẵn có của các khoáng sản như như đồng và lithium.
OECD cảnh báo các biện pháp hạn chế xuất khẩu, phần lớn được phép theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có thể làm trầm trọng thêm tình hình. “Do vậy, tác động kinh tế toàn cầu tổng thể của các biện pháp này có thể rất lớn”, OECD cho biết.
Lê Linh (Theo WSJ, Financial Times)