
Chia sẻ tại Hội thảo “Logistics xanh – đích đến bền vững”, ông Đào Trọng Khoa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, thông tin, logistics Việt Nam hiện còn phụ thuộc nhiều vào đường bộ và phát triển không đồng đều giữa các phương thức vận tải. Theo đó, 75% hàng hoá vẫn được vận chuyển qua đường bộ, trong khi 12% hàng hóa được vận chuyển qua đường biển và chỉ 2% vận chuyển qua đường sắt. Đáng nói, có tới 95% phương tiện giao thông tại Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), ông Khoa cho biết, trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo tăng trung bình 6-7% mỗi năm. Đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam bị đánh giá cao hơn nhiều so các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới. Dự báo, phát thải CO2 của các ngành vận tải đạt mức 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
Bên cạnh phát thải lớn, ngành logistics Việt cũng chịu ảnh hưởng từ các chính sách, quy định và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng khắt khe hơn. Các hiệp định thương mại thế hệ mới đều yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn, giảm “dấu chân” carbon trong hoạt động logistics để hướng tới phát triển bền vững chuỗi cung ứng.
Có thể nói, hành trình tiến tới logistics xanh và thích ứng nhanh sẽ đóng góp vào quá trình giảm thải cacbon của ngành logistics Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. “Doanh nghiệp logistics Việt vì vậy cần tận dụng lợi thế, đưa yêu cầu bức thiết về xanh hoá trở thành “động lực”, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn. Muốn vậy, doanh nghiệp phải cập nhật những xu hướng, tiêu chuẩn mới của thế giới, hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời, tối ưu chi phí vận hành, số hoá hoạt động, nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ logistics”, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thiên Ân – Giám đốc Công ty Giám định Vinacontrol cho rằng, để giảm phát thải trong logistics, các doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng đẩy mạnh chuyển đổi xanh.
Thực tế, thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp thực hiện những bước đầu trong việc chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, chủ yếu thì tập trung ở các doanh nghiệp lớn nhờ tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chưa đủ tiềm lực tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao.
Chia sẻ về những giải pháp để giúp doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh ông Ân cho rằng, hiện nay Nhà nước đã có rất là nhiều cơ chế để chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngoài ra còn có thị trường về trao đổi tín triển carbon. Đây có thể là một công cụ tài chính đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cắt giảm khí nhà kính với chiến lược cụ thể, chính xác và rõ ràng để đạt được mục đích giảm thải carbon hiệu quả nhất, nhanh nhất. Theo đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ vận tải xanh như nghiên cứu và đầu tư vào xe điện, xe tải hybrid và các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chuyển đổi liên phương thức trong phát triển hệ thống vận tải liên phương thức giữa đường bộ, đường biển và đường sắt. Áp dụng các giải pháp số hóa chuỗi cung ứng thông qua việc đầu tư vào nền tảng kỹ thuật số để tối ưu hóa các hành trình vận chuyển.
Ngoài ra, cần khuyến khích sử dụng nhiên liệu bền vững (nhiên liệu sinh học); tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia hoặc xây dựng các dự án bù đắp carbon.
Hà Duyên