Trước mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), đến năm 2050, Việt Nam sẽ giảm phát thải khí nhà kính bằng 0, nhiều hành động thiết thực đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đưa ra kịp thời với những nội dung sát yêu cầu đặt ra. Trong bối cảnh khoa học và công nghệ ngày càng có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, trở thành động lực then chốt trong tăng trưởng kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ cũng chính là động lực, chìa khóa cho mục tiêu net zero của quốc gia.
Theo ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật, xác định khoa học và công nghệ chìa khóa phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Theo đó, Quyết định nêu rõ nội dung về nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ về giảm phát thải khí nhà kính; đẩy mạnh ứng dụng, làm chủ công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý nước thải chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, công nghệ tái chế chất thải với tính năng, giá thành phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cùng với đó, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại tái chế chất thải, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường; công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon ở các nhà máy nhiệt điện và các cơ sở sản xuất phát thải carbon khác.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nhằm phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, đánh giá nhu cầu công nghệ sạch, phát thải carbon thấp. Đó là Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện từ tháng 7/2022. Chương trình có mục tiêu số một là ứng dụng và làm chủ các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong thăm dò, khai thác, sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, năng lượng sạch, năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng chiến lược và định hướng phát triển năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, nội dung nghiên cứu của Chương trình bao gồm việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác nguồn năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, hydro và một số dạng năng lượng mới khác.
Tại Chương trình: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành công nghiệp môi trường” được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện từ tháng 7/2022, một số mục tiêu cụ thể đã được đưa ra. Trong số này có nội dung ứng dụng và phát triển được các công nghệ tiên tiến xử lý, tái chế chất thải, quan trắc môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; làm chủ và phát triển được công nghệ chế tạo thiết bị, phương tiện, sản phẩm phục vụ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” được phê duyệt thực hiện từ tháng 6/2022 đưa ra mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng và phát triển được các công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ việc xây dựng/cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, giám sát, đánh giá tác động đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương, đồng thời đề xuất các giải pháp công nghệ ứng phó hiệu quả phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Tài cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ chú trọng tìm kiếm đối tác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư ký kết với nước ngoài trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; đồng thời, khuyến khích, vận động và tìm nguồn tài chính hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển, ứng dụng, chuyển giao được các phương pháp, mô hình, công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ việc xây dựng, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, giám sát, đánh giá tác động đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương, đồng thời đề xuất được các giải pháp công nghệ ứng phó hiệu quả, đặc biệt là đối với việc thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Các đối tác của Bộ Khoa học và Công nghệ chủ yếu đến từ: Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Canada, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thời gian tới, với nhiệm vụ ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong các chương trình liên quan và một số nhiệm vụ theo đặt hàng của các bộ, ngành, địa phương cùng các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ phục vụ giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực quan trọng như: Năng lượng, nông nghiệp, giao thông, xây dựng…
Theo đó, Bộ chú trọng phát triển công nghệ xanh, công nghệ sạch thân thiện với môi trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình chuyển dịch năng lượng như: Công nghệ đồng đốt hydro xanh, ammonia xanh; công nghệ năng lượng tái tạo, cụ thể là tấm quang điện mặt trời hiệu suất cao, thân thiện với môi trường, tua bin gió hiệu suất cao; công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon…
Thu Phương (TTXVN)