Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và cam kết đưa phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050. TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, để đầu tư cho tăng trưởng xanh, cần huy động nhiều nguồn lực.
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là định hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế thế giới. Thưa bà, Việt Nam đã có những hành động gì để thực hiện mục tiêu này?
Mặc dù là đất nước đang phát triển, nhưng Việt Nam lại là một trong những quốc gia tiên phong phát triển bền vững, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh hóa. Tại các hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) thường niên, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết với cộng đồng quốc tế về việc thực hiện mục tiêu net zero vào năm 2050.
Để thực hiện cam kết, trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP và xanh hóa các ngành kinh tế.
Việt Nam đã đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% và vào năm 2030 giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Đây là mục tiêu rất cao với các nền kinh tế đang phát triển, nhưng Việt Nam đã xác định, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030. Khi đã xác định tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn, Việt Nam đã có chiến lược, lộ trình cụ thể.
Lộ trình cụ thể thế nào, thưa bà?
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 134 hoạt động cụ thể. Từng chủ đề, nhiệm vụ, hoạt động được giao cụ thể cho từng bộ, ngành chủ trì, từng cơ quan, tổ chức và UBND cấp tỉnh phối hợp thực hiện.
Từ một nền kinh tế ưu tiên tăng trưởng để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đi trước, Việt Nam sẵn sàng chuyển sang tăng trưởng xanh, chính là việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Muốn cơ cấu lại nền kinh tế, cần rất nhiều thứ, trong đó, nguồn lực tài chính vẫn là quan trọng hàng đầu. Nguồn lực tài chính bao giờ cũng chỉ có hạn, vì vậy, cần phải huy động từ nhiều nguồn lực để đầu tư cho tăng trưởng xanh.
Theo bà, cần huy động nguồn lực tài chính từ đâu?
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đã xác định, muốn có nguồn lực tài chính, phải xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan. Cụ thể là hoàn thiện chính sách thu – chi ngân sách nhà nước (NSNN) đối với các hoạt động hướng tới tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh. Nguồn lực NSNN có hạn, vì vậy, cần huy động nguồn vốn ngoài xã hội để thực hiện tăng trưởng xanh. Muốn vậy, phải xây dựng và hoàn thiện thị trường trái phiếu xanh (bao gồm cả trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp); bảo hiểm xanh (bao gồm danh mục các sản phẩm bảo hiểm nhằm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có mức độ rủi ro môi trường cao).
Bên cạnh đó, phải phát triển thị trường carbon, xây dựng khung khổ pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon, xây dựng và đưa sàn giao dịch tín chỉ carbon vào vận hành theo cơ chế thị trường; nghiên cứu cơ chế quản lý tài chính cho thị trường tín chỉ carbon vận hành công khai, minh bạch và công bằng. Trong cơ chế thị trường, cái gì cũng có thể trở thành hàng hóa, khi thị trường carbon đi vào vận hành, thì tín chỉ carbon chính là một loại hàng hóa đặc biệt, vì vậy, cần kết nối sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam với các sàn giao dịch tín chỉ carbon của khu vực và thế giới.
Việc xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon đã thực hiện đến đâu, thưa bà?
Tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Theo đó, đến hết năm 2027, phải xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.
Từ năm 2028 trở đi, chính thức tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, thực hiện các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Bộ Tài chính đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Tôi cho rằng, Đề án này sẽ sớm được phê duyệt, vì Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định, vào năm 2025 phải thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Thưa bà, bên cạnh nguồn lực tài chính xã hội, thì nguồn lực từ Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững?
Nguồn lực từ NSNN thường được coi là “vốn mồi” trong mọi hoạt động đầu tư. Đối với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Chiến lược Tài chính đến năm 2030 xác định, cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực NSNN để dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực khác…
Việt Nam cũng đã có khá nhiều chính sách thu đối với hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường, như thuế bảo vệ môi trường; phí môi trường; thuế tài nguyên; thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào các loại hàng hóa không thân thiện với môi trường, tài nguyên không tái tạo. Tất cả các khoản thu này được sử dụng cho việc bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh.
Hằng năm, NSNN dành tối thiểu 1% tổng chi thường xuyên cho hoạt động sự nghiệp môi trường, đồng thời thực hiện các ưu đãi về thuế cho các hoạt động bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, như áp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Các dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng thu được từ tiêu hủy chất thải, phát triển công nghệ sinh học được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo.
Hiện tại, thuế thu nhập doanh nghiệp áp 17% trong 10 năm, miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Mạnh Bôn