
Thiếu cơ chế rõ ràng
Chia sẻ tại Tọa đàm “Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh” diễn ra mới đây, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP), cho biết hiện nay, Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Từ các quy định về tín dụng xanh của Ngân hàng Nhà nước đến các chương trình quản lý tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai.
Mặc dù vậy, chuyển đổi xanh ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân chính, theo ông Tùng, là do thiếu cơ chế rõ ràng, khiến doanh nghiệp chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, lựa chọn công nghệ nào hay có thể vay vốn từ đâu để thực hiện chuyển đổi. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang gặp lúng túng khi chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xanh, dẫn đến khó khăn trong việc cấp vốn cho các dự án thân thiện với môi trường.
Cũng theo Chủ tịch VCAP, bên cạnh vấn đề tài chính, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự hiểu rõ chuyển đổi xanh là gì và làm thế nào để áp dụng vào thực tế. Sự thiếu hụt thông tin và các chương trình đào tạo chuyên sâu đang khiến quá trình chuyển đổi diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng.
Cùng quan điểm với ông Tùng, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cũng chỉ ra, mặc dù trào lưu chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đáng suy ngẫm. Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nhưng phần lớn những doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp SME gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, từ tài chính, nguồn nhân lực đến công nghệ và nhận thức.
Một trong những rào cản lớn nhất, theo ông Kỳ, đó là vấn đề tài chính. “Theo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Mặc dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán khó. Bên cạnh đó, nhân lực cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Chỉ có khoảng 12% doanh nghiệp tại TP. HCM sở hữu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về ESG, gây cản trở lớn cho quá trình chuyển đổi”, Phó chủ tịch HUBA nêu.
Ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng phòng tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho hay một trong những thách thức lớn hiện nay là sự lệch pha giữa nhu cầu tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo và nguồn vốn ngân hàng.
“Các ngân hàng chủ yếu huy động từ nguồn vốn ngắn hạn, trong khi các dự án xanh thường yêu cầu vốn trung và dài hạn. Điều này gây áp lực lớn lên hệ thống tín dụng”, ông Nguyện nhấn mạnh.
Chuẩn hóa để tiếp cận vốn quốc tế
Theo ông Nguyện, nhu cầu vốn xanh ngày càng lớn, nhưng để tiếp cận nguồn vốn này, bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực và xanh hóa hoạt động để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nhằm giảm tải áp lực cho các ngân hàng, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang hướng tới huy động vốn trên thị trường chứng khoán và các kênh tài chính khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm các khoản đầu tư từ nước ngoài.
Tuy nhiên, để làm được điều này, theo ông Nguyện, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, minh bạch tài chính và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe mà các nhà đầu tư quốc tế yêu cầu.
“Sự phối hợp giữa ngân hàng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh và tài chính xanh, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Đây sẽ là giải pháp quan trọng giúp các dự án năng lượng tái tạo tiếp cận nguồn vốn bền vững hơn”, ông Nguyện nhấn mạnh.
“Để thúc đẩy quá trình này một cách hiệu quả, Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế xanh riêng cho từng ngành, giúp doanh nghiệp có định hướng rõ ràng về tiêu chuẩn, công nghệ, nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước”, ông Tùng nêu thêm.
Theo Chủ tịch VCAP, bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp cũng cần chủ động và quyết tâm hơn trong việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần tự rà soát hoạt động sản xuất, cắt giảm công nghệ lạc hậu, tối ưu hóa quy trình để giảm phát thải. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý năng lượng, chuỗi cung ứng và sản xuất thông minh sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành, tiết kiệm chi phí và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế.
“Chuyển đổi xanh là một xu thế không thể trì hoãn. Nhà nước cần mạnh dạn hơn trong việc ban hành các chính sách cụ thể và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản lý để sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế xanh toàn cầu. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới một nền kinh tế xanh hiện đại và hiệu quả”, ông Tùng nói.
Anh Phan