Báo cáo hôm 11/7 của IEA cho biết, trong quí 2, mức tiêu thụ dầu toàn cầu tăng 710.000 thùng mỗi ngày so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ cuối năm 2022. Riêng tại Trung Quốc, nhu cầu dầu trong quí vừa qua giảm nhẹ so với cách đây một năm.
“Nhu cầu dầu của thế giới tiếp tục chậm lại. Tiêu thụ dầu của Trung Quốc đang giảm khi đà phục hồi kinh tế ở thời kỳ hậu Covid-19 suy yếu”, báo cáo cho biết.
Theo IEA, tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới chỉ chưa tới 1 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm sau do tăng trưởng kinh tế yếu hơn mức trung bình, làn sóng phổ cập xe điện và các công nghệ giúp tiết kiệm sử dụng nhiên liệu.
IEA nhận định, các nước bên ngoài Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), sẽ đóng góp toàn bộ mức tăng trưởng tiêu thụ dầu trong năm 2024. Nhu cầu ở các nước phát triển thuộc tổ chức OECD dự kiến giảm 93.000 thùng/ngày trong năm nay, xuống còn 45,55 triệu thùng/ngày. Trong khi nhu cầu bên ngoài OECD được dự đoán tăng khoảng 1,07 triệu thùng/ngày, lên khoảng 57,50 triệu thùng/ngày.
Tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết, nguồn cung dầu từ Mỹ và các khu vực khác của châu Mỹ đang tăng thêm. Kết quả là, tính đến tháng 5, tồn kho dầu toàn cầu tăng 4 tháng liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2021.
Trong tháng 6, sản lượng dầu thô của Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm xuống 27,06 triệu thùng/ngày, thấp hơn 150.000 thùng/ngày so với tháng 5. Trái lại, sản lượng dầu hàng ngày ở các nước bên ngoài OPEC tăng 280.000 thùng trong tháng trước, lên mức ước tính 70,26 triệu thùng/ngày nhờ Brazil, Canada và Kazakhstan phục hồi sản xuất sau khi kết thúc quá trình bảo trì các mỏ dầu.
IEA nhận định, tồn kho dầu toàn cầu nhìn chung sẽ cân bằng trong quí 4, ngay cả khi liên minh OPEC+, do Saudi Arabia dẫn đầu, hủy bỏ kế hoạch khôi phục sản xuất.
Theo đó, nguồn cung dầu toàn cầu có thể rơi vào tình trạng dư thừa trong phần lớn năm 2025 nếu các xu hướng tiêu thụ suy yếu hiện nay tiếp tục duy trì. Về dài hạn, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ ngừng tăng trưởng trước cuối thập niên này. Điều này là do nhiều nước tránh xa nhiên liên hóa thạch trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Dự báo của IEA trái ngược với quan điểm của OPEC. Trong báo cáo công bố hôm 10/7, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng thêm 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025. Tổ chức này cho biết, tăng trưởng kiên cường của kinh tế toàn cầu và du lịch hàng không sẽ hỗ trợ nhu cầu nhiên liệu trong những tháng mùa hè sắp tới.
OPEC cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 từ 2,8% lên 2,9%. Báo cáo của OPEC cảnh báo, nguồn cung dầu toàn cầu thiếu hụt trong những tháng tới và trong năm 2025.
Tuy nhiên, tập đoàn dầu khí BP (Anh) chia sẻ tầm nhìn của IEA về triển vọng thị trường dầu. Trong báo cáo triển vọng năng lượng thường niên hôm 10/7, hai kịch bản BP đưa ra đều dự báo, nhu cầu dầu và lượng phát thải carbon trên toàn cầu đạt đỉnh vào năm 2025.
Trong kịch bản thứ nhất, dựa trên giả định các chính sách khí hậu và mục tiêu giảm khí thải hiện nay duy trì như hiện nay, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến đạt đỉnh 102 triệu thùng/ngày trong năm 2025 và giảm dần về mức 75 triệu thùng/ngày vào năm 2050.
Trong kịch bản thứ 2, hay còn gọi là kịch bản Net-Zero, BP dự báo mức tiêu thụ toàn cầu giảm mạnh chỉ còn 25-30 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Điều này chủ yếu là nhờ công suất điện mặt trời và điện gió trên toàn cầu trong năm 2050 dự kiến tăng 14 lần so với năm 2022.
Kịch bản Net-Zero giả định, các chích sách khí hậu được siết chặt phù hợp với mục tiêu đã đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris 2015 là giảm 95% khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2050 so với mức của năm 1990.
Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá dầu trên thị trường nhích lên sau khi thông tin cho thấy hoạt động lọc dầu của Mỹ tăng vọt vào tuần trước khiến tồn kho dầu thô giảm nhanh hơn dự kiến.
Giá dầu Brent giao tháng 9 ở thị trường London tăng 0,38%, lên 85,4 đô la Mỹ /thùng. Giá dầu thô Tây Taxas (WTI) giao tháng 8 ở thị trường New York tăng 0,63%, lên 82,27 đô la/thùng.
Khánh Lan (Theo Bloomberg, Natural Gas World, Reuters)