Thị trường mới với nhiều cơ hội
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là hướng đi tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD. Tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, tháng 10/2020, Việt Nam ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, Việt Nam chuyển cho WB 10,3 triệu tấn, với giá 5 USD/tấn và khoảng 95% lượng này sẽ được tính đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đến nay, các thủ tục về pháp lý, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và WB đã chuyển cho Việt Nam 80% tổng kinh phí, tương đương 41,2 triệu USD.
Cũng theo ông Trị, mỗi năm rừng Việt Nam có thể hấp thụ gần 70 triệu tấn carbon và phát thải của lĩnh vực lâm nghiệp (bao gồm khai thác, trồng rừng, thậm chí kể cả cháy rừng, phá rừng…) khoảng 30 triệu tấn carbon. Như vậy, mỗi năm còn thu ròng khoảng 40 triệu tấn tín chỉ carbon. Nếu bán với giá carbon tự nguyện là 5 USD/tấn, chúng ta có thể thu được khoảng 200 triệu USD/năm. Đây là con số lớn để giúp mang lại nguồn thu đáng kể cho chủ rừng.
“Trong khi nhiều ngành sản xuất khác coi nhiệm vụ giảm phát thải là thách thức thì đây được xem là cơ hội cho ngành gỗ bởi đặc thù vùng nguyên liệu rừng trồng chính là nơi tạo ra tín chỉ carbon. Nếu biết khai thác hiệu quả nguồn tín chỉ carbon này, ngành gỗ không chỉ đóng góp vào mục tiêu Net Zero mà còn gia tăng hiệu quả kinh tế từ nguồn tài chính xanh cho những người trồng rừng” – ông Phùng Quốc Mẫn – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) nói.
Tháo gỡ vướng mắc cho kinh doanh tín chỉ carbon
Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc WB chi 51,5 triệu USD mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng giai đoạn 2018 – 2024 tại các tỉnh Bắc Trung Bộ là tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho Việt Nam.
Rõ ràng lợi ích từ bán chứng chỉ carbon đem lại rất lớn, tuy nhiên phản ánh từ các địa phương cũng như doanh nghiệp (DN) cho thấy, quá trình từ khi tiếp cận đến khi bán được tín chỉ carbon là khá vất vả đối với DN. Bên cạnh việc đáp ứng bộ tiêu chí khắt khe còn là việc chuẩn bị thủ tục kéo dài, chi phí bỏ ra không nhỏ. Do đó, cần có lộ trình rõ ràng về tín chỉ carbon, là điểm tựa vững chắc để DN thực hiện mục tiêu chung.
Theo ông Tô Xuân Phúc – Giám đốc điều hành Chương trình chính sách thương mại lâm sản (Tổ chức Forest Trends), Chính phủ nên cân nhắc ban hành các cơ chế chính sách trong thời gian sớm, nhằm kích hoạt các dự án carbon lâm nghiệp, đáp ứng cả thị trường bắt buộc và tự nguyện. Hiệu quả của các cơ chế, chính sách không chỉ phụ thuộc vào việc huy động kinh phí, mà còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí này được sử dụng ra sao để có thể tối đa hóa hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ở góc độ DN, ông Thái Trần – Giám đốc Công ty Tư vấn Hanam carbon cho rằng, các DN, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích 2 chiều: thực hiện giảm lượng khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon, thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Trần, mặc dù thị trường tín chỉ carbon được đánh giá là có tiềm năng nhưng vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề và thách thức. Cụ thể, các DN Việt Nam có thể phải chịu thêm nhiều tỷ đô la tiền thuế phát thải carbon khi xuất sang thị trường châu Âu do ảnh hưởng bởi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Vì vậy Việt Nam cần đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những nút thắt trên, từ đó có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ thị trường này.
“Cuộc chơi” tín chỉ carbon phải là công việc thường xuyên cho cả DN vừa và nhỏ (SMEs), chứ không chỉ dành cho những “người khổng lồ” – ông Thái Trần nói.
Theo dự báo, thị trường carbon toàn cầu sẽ đạt 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Quy mô của thị trường này sẽ tiếp tục tăng vào những năm tiếp theo khi ngày càng có nhiều quốc gia cam kết giảm phát thải để tiến đến Net Zero. Vì thế, Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường carbon thế giới để chào bán tín chỉ carbon nông nghiệp và tín chỉ carbon rừng.
K.Lê – M.Sang