Nguồn tài chính khổng lồ
Mới đây, Việt Nam đã nhận được hơn 51 triệu USD từ Ngân hàng thế giới từ việc chuyển nhượng hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các tổ chức nước ngoài cho các dự án carbon nói chung và các dự án carbon từ ngành gỗ nói riêng tại Việt Nam là rất lớn.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Quỹ VinaCarbon đánh giá, ngành gỗ có tiềm năng rất lớn trong việc tạo ra tín chỉ carbon để bù đắp cho các ngành công nghiệp khác và giúp Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bởi cây có tính năng hấp thụ carbon trong khí quyển và lưu trữ trong gỗ, hoặc có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng như một nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực, gỗ có thể được sử dụng thay thế cho các vật liệu phát thải cao khác như bê tông, nhựa…
Việt Nam có khoảng hơn 14 triệu ha rừng, trong số đó có gần một nửa là rừng sản xuất. Theo ông Tùng, nếu các DN ngành gỗ nhận thức được việc đầu tư phát triển bền vững, giảm phát thải là xu thế tất yếu và cần thiết phải thực hiện thì nguồn thu của DN không chỉ đến từ các hoạt động chế biến gỗ và lâm sản mà còn từ tín chỉ carbon. Đồng thời, đầu tư cho giảm phát thải cho ngành gỗ cũng đồng nghĩa với DN tuân thủ các quy định quốc tế về quản lý và khai thác rừng bền vững, do đó sẽ tăng tính cạnh canh và khả năng thâm nhập vào các thị trường như EU, mang lại giá trị cao hơn cho hàng xuất khẩu của DN.
TS. Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Rừng Việt Nam (VFCO) cũng cho biết, kết quả kiểm kê khí nhà kính quốc gia và tính toán phát thải khí trong lâm nghiệp cho thấy lĩnh vực lâm nghiệp là lĩnh vực duy nhất có phát thải ròng âm, tức là lượng hấp thụ carbon của rừng lớn hơn lượng phát thải carbon. Tính trung bình trong giai đoạn 2010-2020, lượng phát thải ròng trung bình năm trong lâm nghiệp là khoảng âm 40 triệu tấn CO2 tương đương. Nếu quy ra giá trị bằng tiền để giảm 40 triệu tấn CO2 tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng với giả định chi phí giảm phát thải 1 tấn CO2 tương đương là 5 USD.
Qua đó cho thấy, ngoài các lợi ích lâm sản mà rừng đang mang lại cho hoạt động sản xuất, việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lâm nghiệp sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam và tạo nguồn tài chính bổ sung từ các hoạt động mua bán, trao đổi và thương mại tín chỉ carbon tại thị trường carbon trong nước và quốc tế. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng thị trường carbon trong nước và khi đi vào hoạt động sẽ mở ra các cơ hội về mua bán, trao đổi, thương mại tín chỉ carbon giữa các DN, thúc đẩy đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ carbon trong các hoạt động lâm nghiệp.
Cần chủ động và tích cực “xanh hóa”
Là một trong các quốc gia hàng đầu về chế biến gỗ và lâm sản, các chính sách của Việt Nam đang hướng đến một nền lâm nghiệp bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Các định hướng chính sách lớn về phát triển lâm nghiệp đến năm 2030 là đạt mục tiêu 1 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và 100% diện tích rừng của tổ chức thực hành quản lý rừng bền vững.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS) đã được thành lập theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 1/10/2018, được Tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận và được quản lý và vận hành bởi Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững. Kể từ khi chính thức vận hành vào năm 2020, thương hiệu Chứng chỉ rừng Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đáp ứng các yêu cầu thị trường, nâng cao thương hiệu gỗ Việt, thúc đẩy thương mại sản phẩm lâm sản và nâng cao năng lực của các bên liên quan.
TS. Vũ Tấn Phương khẳng định, từ yêu cầu của thị trường, sử dụng nguyên liệu gỗ được chứng nhận sẽ là xu hướng chính trong những năm tới. Các lợi ích tài chính trực tiếp từ thương mại carbon có thể được tạo ra, nếu các DN đáp ứng các yêu cầu của thị trường carbon. Ngoài ra, việc sản xuất theo hướng giảm phát thải, carbon thấp sẽ tạo ra các cơ hội về tiếp cận công nghệ sản xuất xanh, nâng cao năng lực. Những lợi ích này sẽ nâng cao giá trị của DN, tạo ra các lợi thế cạnh tranh trong tiếp cận thị trường và thể hiện trách nhiệm của DN đối với các vấn đề bảo vệ môi trường, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ góc độ của một đơn vị tư vấn, ông Trần Đức Trí Quang, Giám đốc Dữ liệu FPT IS chia sẻ quy trình tạo ra tín chỉ carbon có 3 bước chính: đánh giá phát thải cơ sở 3 năm trước khi thực hiện dự án; đánh giá giảm phát thải và ước tính tín chỉ từ năm thứ 2; đánh giá tính khả thi, hoàn thành đăng ký, đánh giá độc lập… Trong đó, điểm khởi đầu bắt buộc là giá trị phát thải cơ sở 3 năm trước khi thực hiện dự án. Do đó, khi DN cân nhắc lập dự án giảm phát thải, cần thiết thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tích lũy dữ liệu trong 3 năm làm cơ sở tính toán khả năng giảm phát thải.
Trong khi đó, để thu hút đầu tư và tận dụng nguồn vốn của các quỹ đầu tư, ông Quang cho rằng, các DN ngành gỗ cần chủ động và tích cực trong quá trình “xanh hóa”, từ việc ban lãnh đạo phải nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, thiết lập các bộ phận chuyên trách và sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận, quản lý cho phù hợp với một dự án tạo tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, DN cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; tăng cường quảng bá thương hiệu và chất lượng sản phẩm và xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung quy mô lớn.
Nguyễn Hiền