Ngành Xây dựng sử dụng nhiều năng lượng, khoảng 35% – 40% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia, trong đó chủ yếu là tiêu thụ điện. Đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam, mức độ lãng phí năng lượng khá lớn. Tuy nhiên, ngành này cũng có tiềm năng lớn về sử dụng năng lượng hiệu quả. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà sẽ giúp giảm chi phí vận hành và giảm lượng khí thải CO2, mang lại lợi ích về môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Xu hướng công trình xanh
Xây dựng công trình, tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng đang là xu hướng phát triển mà ngành xây dựng đang hướng tới. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang ngày càng có nhiều công trình thiết kế thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm điện năng.
Tòa nhà xanh nghĩa là cắt giảm lượng khí thải carbon xuống bằng “0” từ hoạt động thi công cho đến vận hành. Tiêu chuẩn này có thể thực hiện đồng bộ thông qua hai giải pháp: điện hóa từ năng lượng tái tạo (sử dụng các nguồn năng lượng gió, mặt trời, bộ lưu trữ điện…) và thông qua lĩnh vực số hóa (tự động hóa tòa nhà, hệ thống quản lý năng lượng) cho tòa nhà.
Điển hình là tòa nhà xanh Một Liên Hợp Quốc toạ lạc tại 304 Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) là trụ sở làm việc của 15 Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Toà nhà được xây dựng lại trên cơ sở sử dụng trên 90% kết cấu của Tòa nhà cũ và thảm thực vật để giảm phát thải ra môi trường.
Ông Lưu Minh Đức – Cán bộ Quản lý toà nhà cho biết: Trong mục tiêu phát triển bền vững, Liên Hợp Quốc đã không ngừng cải tiến tòa nhà của mình đảm bảo các yếu tố xanh được thể hiện nhiều nhất. Giải pháp xanh của Liên Hợp Quốc có 2 yếu tố gồm yếu tố về kỹ thuật hạ tầng và yếu tố con người.
Theo đó ,yếu tố kỹ thuật là các giải pháp, công nghệ tiến tiến được toà nhà áp dụng. Điển hình là hệ thống pin năng lượng mặt trời được nâng cấp lên 160 kW giúp cung cấp khoảng 20% tổng nhu cầu điện hàng năm của Tòa nhà. Hệ thống góp phần tạo cảnh quan, là kết cấu che nắng và hấp thụ bức xạ mặt trời một phần cho tòa nhà. Đặc biệt, Tòa nhà sử dụng hệ thống điều hòa Trung tâm Chiller và VRV với hệ số COP (Coefficient of Performance) đạt hiệu quả năng lượng cao, tích hợp vào hệ thống điều khiển BMS để tự động kiểm soát, điều khiển nhằm cung cấp nhiệt độ và thời gian phù hợp cho văn phòng làm việc cũng như các sự kiện tại Tòa nhà. Theo đánh giá của báo cáo kiểm toán năng lượng của năm 2021, hệ thống Chiller đạt 10,7% tiết kiệm năng lượng, và hệ thống VRV đạt 25,2% tiết kiệm năng lượng.
“Chúng tôi thiết kế tòa nhà đảm bảo tất cả các khu vực làm việc đều được thông gió và có ánh sáng tự nhiên. Kết hợp với công nghệ sensors để cảm nhận ánh sáng tại chỗ làm việc, nếu ánh sáng đã đủ sensors sẽ giúp điều chỉnh ánh sáng của đèn thậm chí tắt đèn để không tốn năng lượng. Ngoài ra, vào các ngày cuối tuần, ngày lễ, ngày nghỉ thì phần năng lượng mặt trời tạo ra sẽ đưa lên đưa lên điện lưới của thành phố Hà Nội góp phần giảm tải về nguồn cung điện cho Hà Nội”, ông Lưu Minh Đức chia sẻ.
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình VNEEP 3 do Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 7 vừa qua, báo cáo tại hội nghị TS. Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: “Tính đến giữa năm 2023, số lượng công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh đã vượt số lượng 80 công trình như mục tiêu QĐ số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Dự kiến đến 2030 cũng sẽ đạt vượt mục tiêu 150 công trình hiệu quả năng lượng”.
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ
Nhận thức được tầm quan trọng của các công trình có kiến trúc bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đưa nội dung thúc đẩy phát triển các loại công trình này vào các cam kết quốc tế, luật, đề án… Cụ thể như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3); Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…
Thực hiện những chủ trương, chính sách thức đẩy phát triển công trình xanh, Bộ Công Thương và nhiều địa phương trên cả nước cũng triển khai các Giải thưởng về hiệu quả năng lượng trong đó có hạng mục cho Tòa nhà, công trình xanh.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Theo các khảo sát của Chương trình VNEEP 3, dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong các công trình xây dựng ước tính từ 30-35% với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hằng năm là hơn 40%. Chỉ tính riêng năm 2022, Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng đã được trao cho 17 công trình thuộc hai hạng mục công trình xây mới và công trình cải tạo.”
Để góp phần đảm bảo hoàn thành mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính được Chính phủ phê duyệt trong khuôn khổ Chương trình VNEEP 3, năm 2023, Bộ Công Thương đã chính thức phát động Giải thưởng “Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng năm 2023”. Giải thưởng nhằm tôn vinh giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, sáng tạo và tiêu biểu trong công trình xây dựng, qua đó tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, định hướng tiêu dùng xanh và phát triển bền vững của đất nước.
Thời gian nhận hồ sơ tham gia giải thưởng đến hết ngày 15/11/2023. Dự kiến sẽ tổ chức công bố và trao giải tháng 12 năm 2023.
Thông tin chi tiết hướng dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ tham sự giải thưởng tại đây.
Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng năm 2023
Mục đích
– Khuyến khích các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các Công trình xây dựng thông qua các giải pháp quản lý, thiết kế, xây dựng, công nghệ và sử dụng thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao, thân thiện môi trường.
– Nhân rộng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khuyến khích phát triển công trình xanh trong lĩnh vực xây dựng.
– Góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 trong lĩnh vực xây dựng.
Đối tượng tham gia
Các công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: Khách sạn, Khu du lịch nghỉ dưỡng, Bệnh viện, Trường học, Thư viện, Văn phòng, Công sở, Trung tâm thương mại, Siêu thị, Chung cư cao tầng có thể tham dự giải thưởng theo các loại hình sau đây:
– Công trình xây dựng mới là công trình xây dựng đã đưa vào khai thác, vận hành tối thiểu 1 năm nhưng không quá 5 năm tính đến ngày nộp hồ sơ tham gia giải thưởng.
– Công trình xây dựng cải tạo là công trình xây dựng thỏa mãn đồng thời các tiêu chí sau:
+ Đã có thay đổi và cải tiến nâng cấp để cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng.
+ Được đưa vào sử dụng và vận hành tối thiểu 5 năm.
Điều kiện tham gia
Công trình xây dựng dự thi phải là các công trình phù hợp với đối tượng nêu trong Mục Đối tượng tham gia ở trên và thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
– Dữ liệu cung cấp trong hồ sơ dự thi phải tin cậy và chính xác.
– Cơ quan chủ quản Công trình xây dựng ký và đóng dấu Hồ sơ tham dự giải thưởng.
Quyền lợi
Các Công trình xây dựng đạt giải sẽ được nhận: Giấy chứng nhận Giải thưởng của Ban tổ chức và Cúp lưu niệm giải thưởng;
Ngoài ra, Công trình xây dựng đạt giải sẽ được:
– Tạo cơ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu tại các diễn đàn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương tổ chức.
– Sử dụng Logo giải thưởng trong các hoạt động kinh doanh của mình.
– Ban tổ chức hướng dẫn lập hồ sơ tham dự Giải thưởng Hiệu quả năng lượng thường kỳ do ASEAN tổ chức.
Giải thưởng
– Cơ cấu giải thưởng: mỗi mô hình Công trình xây dựng (mới và cải tạo) tham dự giải thưởng có cơ cấu như sau: 01 giải nhất; 02 giải nhì; 03 giải ba và 05 giải khuyến khích;
– Hiện vật: Các toà nhà đạt giải sẽ nhận được: Giấy chứng nhận Giải thưởng toà nhà hiệu quả năng lượng 2023 và Cúp lưu niệm.
Anh Thư