Trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo (NLTT), theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam hiện đang dẫn đầu Đông Nam Á về công suất lắp đặt điện mặt trời (ĐMT), song tiềm năng vẫn còn rất lớn.
Hướng tới mục tiêu tăng dần các nguồn điện tái tạo
Tại Việt Nam, dưới tác động của Quyết định số 11/2016/QĐ-TTG và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam, các dự án ĐMT phát triển một cách bùng nổ trong giai đoạn 2019-2021 kéo theo các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực bảo trì và bảo dưỡng, phụ kiện thay thế, giám sát hệ thống, công nghệ lưu trữ trong lĩnh vực này cũng phát triển.
Do tăng trưởng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), trong năm 2023, năng lượng mặt trời chiếm hơn 1/3 tổng công suất nguồn NLTT lắp đặt tại Việt Nam. Đến năm 2023, Việt Nam đạt 17 GW công suất ĐMT lắp đặt, dẫn đầu ASEAN về công suất lắp đặt ĐMT, gần gấp đôi tổng công suất của các quốc gia trong khu vực ASEAN cộng lại.
Nhiều “ông lớn” trong ngành năng lượng đã vào thị trường Việt Nam. Dẫn đầu là các nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời như First Solar (Mỹ), Tập đoàn JA Solar Investment (Hong Kong) Limitted, Keppel Eaas, Trina Solar,… với tổng vốn lên đến hàng tỷ USD được đầu tư vào xây dựng và phát triển nhằm đáp ứng tiềm năng lẫn nhu cầu sử dụng ĐMT ngày càng tăng cao.
Đồng thời, Việt Nam đang hưởng lợi từ Cơ chế JETP (Just Energy Transtion Partnership): các nước G7, Đan Mạch, Na Uy,… cam kết hỗ trợ hơn 15 tỷ USD giúp Việt Nam thực hiện chuyển dịch năng lượng.
Trong nước, Quy hoạch điện 8 vừa được thông qua với mục tiêu tăng dần các nguồn điện tái tạo, trong đó vào năm 2050: ĐMT (33,0 – 34,4%) và điện gió (26,5 -29,4%) vẫn là những nguồn chủ lực.
Thách thức lớn với môi trường
Phát biểu tại Hội thảo “Nhu cầu và Cơ hội phát triển ngành Công nghiệp thiết bị điện” tại TP.HCM ngày 18/7/2024 vừa qua, TS. Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ IRAT nhận định: “Hiện nay, hệ thống thiết bị phát triển NLTT để phục vụ quy hoạch điện 8 như: Thiết bị điện gió, Thiết bị ĐMT (Solar Panel, Inverter), Thiết bị cho công nghệ Hydrogen (điện phân, nén hóa lỏng, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển Hydrogen), Thiết bị lưu trữ (pin Lithium, pin Vanadium…) đều là sản phẩm công nghệ cao vượt tầm trình độ công nghệ của Việt Nam”.
Thống kê ở lĩnh vực điện gió trên bờ cho thấy, hiện Việt Nam không có nhà máy sản xuất nacelle (vỏ tuabin điện gió), hub và cánh quạt, chưa sản xuất được cáp ngầm biển.
Do chưa chủ động nội địa hoá nguồn thiết bị, hệ thống truyền tải, lưu trữ ngành NLTT, các doanh nghiệp trong nước chưa thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Hiện năng lực cung ứng đầu vào của các doanh nghiệp nội địa trong ngành NLTT còn rất thấp với tỉ lệ nhập khẩu thiết bị lên đến 90%.
Xử lý và tái chế phế thải
Đến nay, mặc dù ĐMT đã phát triển và đạt công suất khá lớn (năm 2018 là 505 GW), thế nhưng mới chỉ khối cộng đồng châu Âu (EU) có các chính sách về xử lý và tái chế phế thải PMT (pin mặt trời).
Lý do chính là vì ĐMT mới phát triển một vài thập niên gần đây, trong khi đó thời gian hoạt động của các tấm PMT khoảng 25 năm, nên đến nay lượng các tấm PMT phế thải chưa gây ra ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Theo dự báo của Chiến lược Phát triển NLTT, lượng PMT phế thải đến năm 2030 và đến năm 2050 lần lượt là khoảng 2 triệu tấn và 12 triệu tấn. Nếu không được quản lý, phế thải PMT sẽ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý cũng như chính sách về phế thải ĐMT.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế môi trường, TS. Lê Hải Hưng – Chủ tịch Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ (IRAT) cho biết, giải pháp trước mắt cho thách thức này là phải lựa chọn thiết bị, vật tư có công nghệ tiên tiến để “Không biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ”, đồng thời xây dựng nguồn lực nghiên cứu, giải mã để làm chủ tiến tới tự sản xuất được thiết bị Made in Vietnam.
Theo tính toán từ các chuyên gia, sau năm 2035 thì số lượng tấm PMT phế thải sẽ nhiều lên đáng kể, đặt ra thách thức lớn đối với môi trường toàn cầu.
EU là khu vực đầu tiên trên thế giới ban hành Thông tư WEEE đối với phế thải PMT. Theo WEEE, tất cả các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu các vật liệu PMT, kể cả tấm PMT, phải đăng ký sản phẩm, với tất cả các số liệu về tấm PMT. Các nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm việc thu gom, xử lý các tấm PMT hết thời hạn sử dụng.
Trong EU, Anh là quốc gia đầu tiên thực hiện Thông tư WEEE, tiếp đến là Đức. Cộng hòa Sec đã đưa thêm vào một quy định chặt chẽ hơn đối với việc thu hồi và tái chế các tấm PMT phế thải. Tại Ý, điều luật số 49 về quản lý các tấm PMT phế thải cũng đã được ban hành (the Legislative Decree No. 49 of 14 March 2014) để thựchiện WEEE. Điều luật 49 quy định bằng định lượng: ít nhất 75% các tấm PMT hết hạn phải được thu hồi và ít nhất 65% ( khối lượng) phải được tái chế.
Các nước khác trên thế giới ngoài khối EU như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, Thái Lan… đã bắt đầu có các thông tư, các qui định liên quan đến trách nhiệm thu hồi, xử lý, tái chế các tấm PMT phế thải.
Trung Quốc, nước sản xuất và lắp đặt PMT hàng đầu thế giới, nhưng hiện nay vẫn chưa có các quy định hay luật định nào về xử lý và tái chế đối với rác thải từ các tấm PMT hết thời hạn.
Phạm Thủy