Phát triển kinh tế carbon thấp góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành và người dân. Đây cũng là lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp trong xu thế chung của toàn cầu.
Cơ hội chuyển đổi kinh tế xanh tiến tới Net Zero
Tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26) vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo của hơn 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trên con đường phát triển kinh tế xanh, Net Zero không chỉ là một mục tiêu mà còn là sứ mạng của các doanh nghiệp. Với sự lên ngôi của kinh doanh xanh, việc phát triển kinh tế carbon thấp là một chiến lược mà cũng là lợi thế cạnh tranh đối với môi trường và bền vững. Đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh doanh.
Hội nghị COP26, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã mở ra một luật chơi mới, nơi các doanh nghiệp không chỉ là những người thực hiện mà còn là những người dẫn đầu trong cuộc chuyển đổi kinh tế. Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều chính sách và kế hoạch hành động để thúc đẩy phát triển bền vững, từ đó tạo ra cơ hội và động lực cho các doanh nghiệp.
Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động về ứng phó với BĐKH. Trong đó chú trọng đến đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia theo hướng giảm mạnh điện than, thay thế bằng năng lượng tái tạo; Tuyên bố về đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng…
Việt Nam xác định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững kết hợp bảo vệ môi trường. Trong đó, chủ động đẩy mạnh tăng trưởng xanh trên diện rộng. Cam kết Net Zero vào năm 2050 đã trở thành một dấu mốc, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững.
Đối với các doanh nghiệp, việc tham gia tiến trình Net Zero được nhận định sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam.
Doanh nghiệp và người dân là trung tâm
Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững, chính vì vậy, Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, DN và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội. Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, nhưng doanh nghiệp và người dân là trung tâm của sứ mạng này.
Hiểu biết về kinh doanh bền vững và giảm phát thải đã trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, sự thay đổi mới chủ yếu diễn ra ở khối các DN lớn và có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa quan tâm và chuyển đổi nhiều.
Phát triển nguồn tín dụng xanh để hỗ trợ doanh nghiệp
Đầu tư vào phát triển xanh đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn, theo số liệu trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng 30 tỉ đô la Mỹ để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần huy động tới 70% từ các nguồn lực khác, mà chủ yếu là khu vực tư nhân.
Những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.
Có thể kể đến như thuế carbon của EU đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn quy định bởi EU, họ sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon tại EU. Những quy tắc như vậy sẽ là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Để đạt được mục tiêu Net Zero, chúng ta cần tìm kiếm nguồn tài trợ xanh. Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là một phần quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính, và việc huy động nguồn tài trợ từ các đối tác quốc tế thông qua các chương trình như JETP sẽ giúp Việt Nam thực hiện điều này.
Thông qua Tuyên bố JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp chúng ta hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Chúng ta hưởng lợi từ việc củng cố hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo nghề, huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện sinh khối, điện gió ngoài khơi…Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu là 15,5 tỉ USD trong vòng 3-5 năm tới để giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng công.
Các DN cần tăng cường năng lực để tiếp cận và huy động nguồn lực ODA, vốn vay ưu đãi từ các đối tác phát triển, các định chế tài chính toàn cầu. Trong số này có Quỹ khí hậu xanh (GCF), Quỹ thích ứng (AF), Quỹ tổn thất và thiệt hại, cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.
Quá trình chuyển đổi cũng sẽ mang lại những thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc tìm hiểu và thích ứng với các cơ chế tài chính mới là một phần quan trọng của hành trình này.
Net Zero không chỉ là mục tiêu, mà còn là cơ hội để xây dựng một tương lai bền vững cho mọi người và hành tinh của chúng ta. Chỉ khi chúng ta hành động cùng nhau, chúng ta mới có thể đạt được điều này.
Phương Dung