Với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”, Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam thường niên (VCSF) năm 2023 vừa diễn ra đã ghi nhận chuyển biến tốt của khối doanh nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng “0” (Net Zero).
Đây là Diễn đàn lần thứ 10 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Việt Nam (VBCSD) tổ chức.
Tăng doanh thu và năng lực cạnh tranh
Phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam, nhằm đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Không chỉ là cam kết chính trị, Net Zero đã trở thành xu hướng mới trong tái cấu trúc các nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, song hành phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI – Chủ tịch VBCSD, đứng trước các yêu cầu về phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp cần định nghĩa lại: Thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở các con số tài chính mà giờ đây còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ về BĐKH. Doanh nghiệp cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.
Chia sẻ về các yêu cầu ngày càng cao về yếu tố môi trường trong sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Nghiên cứu Phát triển và Phát triển bền vững, Tập đoàn PAN cho rằng, Chính phủ sau khi cam kết Net Zero với thế giới đã kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia vào thực hiện mục tiêu chung của quốc gia. 1.912 doanh nghiệp phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng kế hoạch giảm phát thải trong những năm tới. Các công ty thành viên của PAN không nằm trong nhóm này, nhưng việc áp dụng các mô hình phát thải thấp sẽ giúp Tập đoàn tuân thủ các yêu cầu về phát triển xanh của Chính phủ.
Áp lực phải xanh hơn, sạch hơn từ các khách hàng cũng khá lớn. Điển hình là nhiều khách hàng từ EU rất coi trọng việc truy dấu vết các-bon trên sản phẩm. Như vậy, các nhà cung cấp phải thực hiện kiểm kê các-bon và giải pháp giảm dấu vết các-bon trên sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, chính bản thân doanh nghiệp cũng có nhu cầu về tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh như cần giảm chi phí, tiết kiệm tài nguyên và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Đây cũng là động lực để doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh tế phát thải thấp.
Lợi ích doanh nghiệp sẽ nhận thấy ngay khi áp dụng các giải pháp ở cấp độ nhà máy sản xuất, đó là tiết kiệm chi phí và giảm phát thải. Nhờ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón, nước trong canh tác nông nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo và tăng hiệu suất thiết bị, PAN có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, doanh thu và lợi nhuận đều tăng do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, giá trị thương hiệu tăng khi đưa hàng ra thị trường quốc tế và có thể thâm nhập các thị trường có giá trị cao hơn. Thứ hai, việc tận dụng phế phẩm, phụ phẩm cũng đem lại nguồn thu lớn. Ví dụ, hằng năm, công ty của PAN có hàng nghìn tấn vỏ tôm sau chế biến. Thay vì tốn chi phí xử lý, Tập đoàn hợp tác với công ty khác chế biến thành thức ăn chăn nuôi, và có thêm khoản thu khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm.
Thu hút vốn đầu tư xanh
Một lợi ích lớn khác từ việc công ty tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội là doanh nghiệp có thể thu hút các nhà đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Vũ Chí Công – Giám đốc, Trưởng bộ phận ESG, Tập đoàn Vinacapital cho rằng, nguồn vốn xanh hiện nay khá dồi dào nhưng cơ hội đầu tư vào Việt Nam không nhiều. Vấn đề ở chỗ doanh nghiệp chưa cung cấp được nguồn thông tin, dữ liệu của mình về phát triển bền vững như công khai thông tin trên sản phẩm nhãn mác về nguồn nguyên liệu. Khi các quỹ đầu tư tiếp cận, họ không có căn cứ để biết doanh nghiệp hoạt động có phù hợp với các tiêu chí đầu tư xanh hay không.
Hiện nay, mới có các doanh nghiệp lớn làm được điều này, những doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể thực hiện ở quy mô đơn giản hơn. Theo ông Vũ Chí Công, doanh nghiệp cần xem xét lại lĩnh vực kinh doanh của mình có tác động như thế nào đến phát triển bền vững, cả tích cực và tiêu cực. Với tác động tiêu cực thì sẽ có giải pháp gì. Từ đó để có định hướng ghi chép, cập nhật thông tin, dữ liệu cần thiết, ví dụ như thông tin kiểm kê khí nhà kính. Doanh nghiệp nào làm tốt công tác kiểm kê, lưu trữ và công bố thông tin sẽ có lợi thế lớn hơn.
Theo bà Đặng Thị Hồng Hạnh – Giám đốc điều hành Công ty CP Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), để hướng tới Net Zero, vấn đề quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo thời gian, những khó khăn về công nghệ, nguồn lực sẽ dần dần được giải quyết. Hiện nay, VNEEC đang phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về kiểm kê khí nhà kính giúp các doanh nghiệp chuẩn bị tham gia thị trường các-bon. Đối với quy định mới của EU về truy vết các-bon, EU cũng đã mở cổng thông tin cho doanh nghiệp trong diện bị áp quy định này và có các khóa đào tạo, với những hướng dẫn chi tiết cách thức xuất nhập khẩu vào EU.
Về nguồn lực, theo bà Hạnh, sẽ có nhiều cơ hội mới thông qua các quỹ đầu tư xanh toàn cầu và từ chính sách mới của Nhà nước để thúc đẩy nguồn vốn xanh, đầu tư vào giảm phát thải và Net Zero. Việc chuyển đổi công nghệ mới ngoài nâng cao năng lực cạnh tranh còn giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu từ tín chỉ các-bon, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải chung của quốc gia.
Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt và trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp. Cụ thể là có các chính sách, hướng dẫn về giảm phát thải, hỗ trợ tăng cường năng lực kỹ thuật và tiếp cận các nguồn vốn. Đồng thời, xây dựng hệ thống chính sách có tính ổn định, nhất là trong lĩnh vực năng lượng bởi đây là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của quá trình giảm phát thải khí nhà kính.
Khánh Ly