Hiện đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ nhưng ngành Công nghiệp gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về chuyển đổi xanh trong toàn chuỗi cung ứng, trong đó mắt xích trọng yếu là logistics xanh.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) chia sẻ, sản phẩm gỗ là sản phẩm rất nhạy cảm về môi trường, đòi hỏi phải tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ, chế biến xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành đang tích cực chuyển đổi xanh như tích cực kiểm kê phát thải khí nhà kính… Tuy nhiên, sự thành hay bại của ngành công nghiệp gỗ còn phụ thuộc vào mỗi mắt xích trong chuỗi cung ứng, trong đó có ngành logistics.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.
Khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc VCCI cho thấy, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên. Theo đó, quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm: Thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải…
Khi các mắt xích đó đều “xanh” thì doanh nghiệp mới có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.
Vì vậy, theo ông Vinh, phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm. Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng đã xác định phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững.
Trong thời gian tới, VCCI sẽ phối hợp với các cơ quan trong Ban chỉ đạo Chương trình để tiếp tục nâng cấp Bộ chỉ số DN bền vững (CSI), đưa bộ chỉ số này thành một trong những tiêu chuẩn quốc gia để áp dụng rộng rãi trong cộng đồng DN toàn quốc. Dựa vào Bộ chỉ số CSI, DN rà soát lại hoạt động phát triển bền vững của mình, tự tổng hợp thông tin theo hướng dẫn, đánh giá tổng quát “sức khỏe” của mình, cũng như các tác động tạo ra từ hoạt động của doanh nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch hành động phù hợp để cải thiện điểm yếu, phát huy điểm mạnh, đồng thời làm tốt hơn công tác lập và báo cáo thông tin, giúp thu hút đầu tư hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động tranh thủ sự ủng hộ, khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng mới và sử dụng phương tiện bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Hoàng Hồng