Chuyển đổi xanh rất quan trọng đối với các hoạt động logistics, phát triển chuỗi cung ứng xanh cũng chính là sự thay đổi cần thiết, gắn liền với cam kết của Chính phủ Việt Nam về hành trình tiến tới Net Zero.
Mặc dù vậy, hiện số doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh này còn quá ít, do gặp phải những khó khăn trong quá trình chuyển đổi.
Hiện nay mặc dù các doanh nghiệp đều nhận thức rõ phải chuyển đổi xanh nhưng phần lớn doanh nghiệp vận tải và logictics đang phải đối mặt trước 3 thách thức lớn như dòng vốn xanh; thiếu nhân lực kỹ thuật chuyên môn sâu và ứng dụng khoa học kỹ thuật…
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nêu ý kiến, để chuyển đổi xanh các doanh nghiệp logictics cần tạo dựng văn hoá về phát triển bền vững: “Khuyến nghị thứ nhất là hãy tập trung vào chữ tuân thủ trước tiên, tuân thủ có 2 khía cạnh là tuân thủ về mặt pháp lý và tuân thủ những cam kết trong hợp đồng với các đối tác với bạn hàng.
Thứ hai, đó là những chương trình sáng kiến cải tiến trong từng doanh nghiệp còn tạo ra một văn hóa sự quan tâm chung của cả chủ doanh nghiệp, lẫn nhân viên về phát triển bền vững về chuyển đổi xanh”.
Theo Bộ Công Thương, số doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh này còn quá ít trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp logistics trên cả nước. Nguyên nhân do việc triển khai rộng rãi logistics xanh còn gặp nhiều thách thức, như: các rào cản kỹ thuật và công nghệ, vấn đề về chi phí đầu tư, hạn chế trong nhận thức của chính doanh nghiệp, hạ tầng logistics chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về yêu cầu xanh hóa ngành logistics đang rất hạn chế.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, khó khăn với các doanh nghiệp logistics khi chuyển đổi sang xanh hoá, đầu tiên đó là áp lực từ phía thị trường. Xanh hóa chắc chắn ở giai đoạn đầu sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư tốn kém về mặt chi phí. Trong khi đa phần doanh nghiệp logistics là nhỏ và vừa, đây là một áp lực đối với doanh nghiệp khi phải đưa ra các quyết định liên quan đến đầu tư để trở nên xanh hơn.
Ông Nguyễn Công Hùng kỳ vọng: “Tôi rất mong muốn Chính phủ, Quốc hội tiếp tục kéo giãn miễn thuế trước bạ đối với xe điện, để cho các doanh nghiệp thay đổi 100% phương tiện- thì lúc đó Chính phủ đưa vào các quy định để thu thuế. Kiến nghị nữa là ban hành các gói thực hiện khoanh nợ thuế, khoanh nợ bảo hiểm xã hội không tính lãi, không phạt lãi chậm nộp cho doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi theo hướng xanh hoá”.
Nguyễn Hằng /VOV1