
Doanh nghiệp chuyển đổi sang năng lượng xanh
Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp trong các KCN và khu công nghệ cao đã bắt đầu kế hoạch triển khai đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống, hướng tới hoạt động sản xuất sạch và nâng cao tính cạnh tranh.
Công ty Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) tại TPHCM cuối tuần vừa qua đã khởi công dự án điện mặt trời mái nhà công suất gần 28 MWp. Dự án này không chỉ cung cấp khoảng 26% nhu cầu điện của nhà máy, hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng sạch trong sản xuất và trung hòa carbon vào năm 2027 – sớm hơn 3 năm so với cam kết toàn cầu của tập đoàn.
Lãnh đạo nhà máy, ông ChoonKi Kwon, nhấn mạnh rằng dự án không chỉ là một bước tiến về công nghệ mà còn là biểu tượng cho sự chuyển mình toàn diện của doanh nghiệp theo hướng bền vững.
Tương tự, tại KCN VSIP I (Bình Dương), Estec Vina đã khởi động dự án năng lượng tái tạo, dự kiến phát thải giảm khoảng 1.411 tấn CO2 mỗi năm. Doanh nghiệp này xem điện mặt trời mái nhà là giải pháp nhanh, hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như châu Âu, Nhật, Mỹ, Ấn Độ… và các thương hiệu lớn như Sony, LG, Panasonic, Kia, Yamaha, Harman…
Việc lắp đặt năng lượng mặt trời được nhiều doanh nghiệp khác triển khai bởi sử dụng năng lượng sạch không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí điện năng mà còn thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu giảm phát thải của các nhãn hàng và thị trường nhập khẩu.
Lãnh đạo các Ban quản lý các KCN nhiều tỉnh thành cũng nhận định rằng nhu cầu đầu tư, lắp đặt hệ thống NLTT, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà, là rất cấp thiết. Tuy nhiên, thời gian qua tiến trình triển khai còn gặp nhiều thủ tục phức tạp, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp tham gia.
Việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ tháng 3 vừa qua, coi đây là bước đệm quan trọng thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch như điện mặt trời. Các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp xem đây là cơ hội để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, từ đó tăng cường phát triển các dự án NLTT, giảm giá thành điện năng và đáp ứng tiêu chuẩn “xanh hóa” trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy lợi ích rõ rệt sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Điển hình như một doanh nghiệp may mặc tại TPHCM đầu tư hệ thống gồm 250 tấm pin năng lượng mặt trời và 3 bộ inverter hòa lưới đã cung cấp nguồn điện ổn định cho các hoạt động của nhà máy, như chiếu sáng, điều hòa và máy móc sản xuất. Mỗi ngày, hệ thống tạo ra khoảng 365 kWh điện, đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất và góp phần giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường, thể hiện sự bền vững của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Thách thức cần tháo gỡ
Nghị định số 58/2025/NĐ-CP về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong KCN tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà. Điểm đáng chú ý là quy định cho phép nhà sản xuất cho thuê mái nhà để lắp đặt điện mặt trời hoặc bán phần điện dư thừa đã đầu tư cho EVN đến 20%, tạo điều kiện thuận lợi để giảm thiểu gánh nặng đầu tư ban đầu và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch.
Trong đó, doanh nghiệp có thể thuê hệ thống điện mặt trời thay vì đầu tư ban đầu. Phương thức này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, vì phía cho thuê sẽ chịu trách nhiệm đầu tư, lắp đặt, vận hành và bảo trì, trong khi doanh nghiệp chỉ thanh toán phí thuê với mức thấp hơn giá mua điện từ lưới.
Tại một cuộc họp liên quan về điện tái tạo gần đây, ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX – KCN TPHCM (Hepza), cho hay hiện nay, phát sinh nhu cầu cho thuê mái nhà xưởng trong KCX-KCN để lắp đặt hệ thống điện mặt trời hoặc hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp có chức năng khai thác nguồn điện mặt trời mái nhà.
Chiếu quy định tại Nghị định 58, theo ông, việc cho thuê mái nhà để lắp đặt hệ thống điện mặt trời không bị cấm. Vì vậy, doanh nghiệp có nhu cầu cho thuê mái nhà hoặc hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực này cần thực hiện điều chỉnh giấy phép đăng ký kinh doanh, và có thể đăng ký điều chỉnh này qua hình thức trực tuyến.
So với quy định trước ở Nghị định 135/2024, các chuyên gia trong ngành năng lượng đánh giá Nghị định 58 quy định rõ ràng hơn về cơ chế “tự sản tự tiêu”, giúp tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý trước đây, nhưng vẫn còn mang nặng tình hành chính.
Nguyên nhân chính nằm ở chỗ, mặc dù đã có quy định rõ ràng hơn về phát triển năng lượng sạch, nhiều mô hình doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tận dụng các chính sách này do thiếu hướng dẫn cụ thể và chưa có các chính sách phù hợp dành cho doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn, sử dụng điện sạch.
Dù Nghị định 58 đã quy định rõ về mô hình tự sản tự tiêu, thực tế triển khai gặp khó khăn do thiếu sự ủng hộ và đồng thuận địa phương, với một số tỉnh vẫn duy trì yêu cầu giấy phép phòng cháy chữa cháy và xác nhận hệ thống điện mặt trời mái nhà, mặc dù các điều kiện này đã được lược bỏ nhưng cách hiểu khác nhau gây cản trở.
Thêm vào đó, quy định về việc dự án điện mặt trời mái nhà có công suất từ 1 MW trở lên phải xin phép Sở Công Thương địa phương cùng với các thủ tục hành chính phức tạp khiến không ít doanh nghiệp phải tìm cách “lách luật” bằng cách chia nhỏ dự án để dễ dàng xin phép.
Về giới hạn bán lại tối đa 20% lượng điện dư thừa cho EVN, nhiều ý kiến cho rằng quy định này khiến doanh nghiệp giảm quy mô, thiếu động lực đầu tư pin lưu trữ. Giải pháp đề xuất là áp dụng cơ chế net-billing linh hoạt: bán điện dư lên lưới với giá ưu đãi khi thiếu điện và mua giá thấp hoặc âm khi thừa, giúp chủ động trong phát điện, giảm chi phí và giảm tải cho hệ thống quản lý.
Các doanh nghiệp nhỏ tự sản tự tiêu nhưng không bán điện thì nêu khó khăn trong việc xin các giấy tờ của quy định hiện hành, dù họ là nhóm cần chuyển đổi xanh rất lớn. Nhiều ý kiến đề xuất xây dựng cơ chế đăng ký rút gọn dành riêng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ này, nhằm giảm thủ tục hành chính và thúc đẩy hoạt động tự sản tự tiêu.
Các doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị Chính phủ cùng các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống chính sách rõ ràng, minh bạch và ổn định hơn để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo. Cần có hướng dẫn cụ thể hơn cho các trường hợp áp dụng, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép, đấu nối, mua bán điện năng lượng sạch và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp.
Lê Hoàng