Tháng 12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2022/NĐ-CP về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA).
Theo Nghị định, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên cho Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế theo ERPA, bao gồm lượng giảm phát thải ký kết 10,3 triệu tấn CO2 và lượng giảm phát thải bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có).
Đây là một bước ngoặt làm tiền đề cho việc khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên mới mang tên các bon. Và quan trọng hơn phía sau những trị số đó nếu chúng ta biết khai thác hiệu quả sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề rừng (quản lý, bảo vệ, phát triển rừng), từng bước tiến tới quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn Việt Nam và của Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC).
Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ được tham gia thí điểm ERPA với Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả, tiến tới triển khai toàn diện về dịch vụ môi trường (DVMTR) theo quy định. Qua đó, huy động thêm nguồn thu cho công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và phát triển rừng của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có305.560,09 ha đất có rừng (gồm rừng tự nhiên 205.602,31 ha; rừng trồng đã thành rừng 77.148,32 ha; diện tích đã trồng chưa thành rừng 22.809,46 ha). Diện tích rừng đủ tiêu chí để tính toán tỷ lệ che phủ rừng là 282.750,63 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đang đạt 57,15%…
Dự kiến, số tiền Quỹ Trung ương điều phối cho tỉnh trong ba năm (2023 – 2025) khoảng 5,609 triệu USD (tương đương khoảng 131 tỷ đồng). Trong đó, năm 2023 tỉnh được điều phối hơn 37 tỷ đồng để thực hiện chi trả cho 800 chủ rừng, gồm 721 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, 11 chủ rừng là tổ chức, 58 UBND xã và 10 tổ chức khác có rừng tự nhiên.
Thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và Quyết định số 641/QĐ-BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc Ban hành Kế hoạch chia sẻ lợi ích từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế (Quỹ) đã phổ biến các quy định, nội dung trọng tâm liên quan đến việc triển khai nguồn ERPA trong các các cuộc họp giao ban khối Lâm nghiệp, các cuộc họp với các Sở, ngành liên quan và các huyện thông qua các cuộc làm việc, kiểm tra, giám sát với các chủ rừng, các cuộc tuyên truyền tại các cộng đồng thôn, bản.
Ngoài ra, thực hiện công văn số 934/LN-QBVPTR của Cục Lâm nghiệp về việc thông báo tạm ứng tiền và triển khai nguồn thu từ ERPA; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động xây dựng quy trình chi trả tiền từ nguồn chuyển nhượng kết quả phát thải cũng như xây dựng bộ hồ sơ mẫu cho từng đối tượng chủ rừng để các chủ rừng có thể nhận được nguồn tiền thuận lợi, minh bạch. Quỹ đã phối hợp với các Hạt kiểm lâm cấp huyện, UBND cấp xã rà soát thông tin các đối tượng được chi trả là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình và hướng dẫn thực hiện chi trả theo quy định.
Đặc biệt, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp cùng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, đại diện Ngân hàng thế giới, triển khai các hoạt động tham vấn nội dung hướng dẫn thực hiện ERPA cho các chủ rừng là tổ chức, UBND xã, cộng đồng và các bên liên quan tại huyện Nam Đông và Phong Điền.
Tại các buổi tham vấn, các chuyên gia, cán bộ đã trao đổi, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm, ghi nhận những bất cập để kịp thời điều chỉnh phù hợp với các hướng dẫn ban hành nhằm đạt mục tiêu quản lý sử dụng hiệu quả nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, phát triển sinh kế, bảo vệ và phát triển rừng. Qua buổi tuyên truyền người dân đã hiểu biết hơn trong việc thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng và học hỏi thêm được các mô hình phát triển sinh kế để lựa chọn, lên kế hoạch áp dụng cho cộng đồng mình.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh các hoạt động liên quan nhằm xây dựng chính sách, quy định, hợp tác phát triển thị trường carbon rừng, góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển…
Ông Nguyễn Tất Tùng – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Nếu khai thác được hết tiềm năng từ bán tín chỉ các bon rừng chắc chắn rừng Thừa Thiên Huế nói riêng, cả nước nói chung sẽ được quản lý bền vững, vốn rừng ngày càng được tăng lên góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên thế giới. Nguồn lực này cũng sẽ giảm áp lực cho việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho công tác bảo vệ rừng tại các địa phương”.
Quỳnh Nga