Việc phát triển một hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) lành mạnh, bền vững không chỉ giúp nông dân và ngành nông nghiệp các quốc gia thích ứng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), mà còn đóng góp đáng kể vào mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 đến năm 2050 (Net Zero).
Đó là nhận định chung của Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia tại phiên khai mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững vào sáng ngày 24/4. Hội nghị năm nay có chủ đề “Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP. Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tới dự và có bài phát biểu đại diện cho nước chủ nhà.
Việt Nam sẵn sàng đóng góp và chia sẻ kinh nghiệm
Theo các báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), nạn đói đã ảnh hưởng tới 828 triệu người vào năm 2021 và đang tiếp tục đà gia tăng. Tác động của nó đang kéo lùi thời điểm dự kiến đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2065 – nghĩa là chậm hơn tới 35 năm so với kế hoạch.
Đúng với chủ đề, Hội nghị cấp Bộ trưởng về Hệ thống LTTP bền vững năm nay nhằm xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống LTTP toàn cầu và đề xuất các giải pháp cụ thể. Hàng trăm đại biểu, trong đó có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế tập trung thảo luận 4 vấn đề: Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống LTTP; các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống LTTP; các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống LTTP; các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP. Ngoài ra, Hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống LTTP ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Vấn đề chuyển đổi hệ thống LTTP đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, và bây giờ – chứ không phải lúc nào khác – phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh – ngôi nhà chung của tất cả chúng ta và thế hệ mai sau.
Từ thực tế đó, ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, để thực thi mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững. “Việt Nam cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam – Nam và hợp tác ba bên về nông nghiệp”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phát biểu trực tuyến tại phiên Khai mạc Hội nghị, ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) cho rằng, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn.
Liên kết, hợp tác đa bên vì mục tiêu bền vững
Trong khuôn khổ 3 phiên tọa đàm cấp Bộ trưởng, đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp các quốc gia đều nhấn mạnh, chuyển đổi hệ thống LTTP không chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp mà cần sự phối kết hợp liên ngành, liên lĩnh vực, xuyên suốt và đồng bộ từ cấp Trung ương đến cấp địa phương. Cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội dân sự, đối tác quốc tế, khu vực kinh tế tư nhân sẽ phải cùng vào cuộc với người nông dân.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn từ 3 “biến”: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế kinh doanh. Người sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những người có thu nhập thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất. Tốc độ tăng trưởng liên tục của ngành nông nghiệp trong những thập niên gần đây với chiến lược thâm canh cao đã gây ra những tác động đối với môi trường. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thay đổi nhanh chóng, đặt ra các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, dinh dưỡng, tiêu chuẩn công bằng và bền vững.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 và tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”, “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Đây cũng chính là định hướng cho các chiến lược, kế hoạch của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành NN&PTNT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bao gồm Kế hoạch “Giảm phát thải khí mê-tan trong lĩnh vực nông nghiệp đến 2030”.
Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 cũng đặt ra yêu cầu: Đây là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các bộ, ngành địa phương, các tổ chức đoàn thể, và mọi tác nhân trong toàn hệ thống lương thực thực phẩm. Việc chuyển đổi phải gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên toàn cẩu.
Không thể phủ nhận, vai trò của ngành nông nghiệp và hệ thống LTTP trở nên càng đặc biệt quan trọng. Việt Nam đang tiến hành quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có tính đến các yếu tố mới nảy sinh như tự do hóa thương mại, BĐKH, nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lương thực – Bộ trưởng Nguyễn Minh Hoan khẳng định.
Theo ông Christian Hofer, Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sĩ, quá trình thảo luận giữa các bên khác nhau trên cơ sở đối thoại tại địa phương, quốc gia sẽ giúp xây dựng kế hoạch chuyển đổi một cách toàn diện ở nhiều góc độ khác nhau, bảo đảm các vế đề phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần phải có Hội đồng khoa học để đánh giá tính khả thi của các đề xuất và lựa chọn giải pháp tốt nhất.
Trong khi đó, ông San Vanty, Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia nhấn mạnh tầm quan trọng của mối liên kết khu vực để tạo nên sức mạnh liên kết, dựa trên sự tương đồng về điều kiện khí hậu, sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để giảm khó khăn trước mắt cho ngành hiện nay, đó là chi phí cho sản xuất, nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá thành sản phẩm giảm sút; hệ thống giao thông vạn tải chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển nông sản, giao thương quốc tế…
Sau những phát biểu gợi mở từ các Bộ trưởng Nông nghiệp, trong 4 ngày từ 24 – 27/4, Hội nghị sẽ tiến hành 4 phiên họp chính thức và các phiên họp bên lề, các chuyến thực địa, nhằm thảo luận rõ hơn về 4 giải pháp chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững.
Một số chủ đề thu hút sự quan tâm của quốc tế như: Tiến trình và kết quả của một quá trình thực hiện giữa các Bộ, các bên liên quan nhằm chuyển đổi hệ thống LTTP; Các ví dụ cụ thể về cách chuyển đổi hệ thống thực phẩm để vượt qua 3 vấn đề nóng hiện nay: Khí hậu, xung đột và Covid-19; Sự chuẩn bị nhằm khẳng định vai trò của quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP như là một yếu tố thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu tại Hội nghị toàn cầu về BĐKH lần thứ 28 (COP28)…
Khánh Ly