
Tiến sỹ Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam đã có những hành động cụ thể, nhằm thực hiện cam kết tại COP26, như ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050…
Cùng với đó, Việt Nam xác định thị trường carbon là công cụ quan trọng nhằm huy động nguồn lực xã hội cho giảm phát thải. Đây cũng là bước đi chiến lược để hướng tới mục tiêu phát triển xanh – Net Zero.
Sẵn sàng cho nền kinh tế xanh

Tại Diễn đàn Thị trường carbon Việt Nam năm 2025 do Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Cơ quan hợp tác Phát triển – Đại sứ quán Thụy Sỹ, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ngày 10/4, ông Cường cho rằng đạt phát thải ròng bằng “0” là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới và Việt Nam.
Mục tiêu trên đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về đầu tư, tài chính khí hậu.
Với thế, trong thời gian qua, cùng với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone” cũng đã quy định rõ về tổ chức và phát triển thị trường carbon.
Gần đây, ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình phát triển thị trường này được chia thành ba giai đoạn: Trước tháng 6/2025 là giai đoạn xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 là giai đoạn vận hành thí điểm; từ năm 2029 sẽ chính thức đưa thị trường vào vận hành toàn quốc.
Để đảm bảo đề án trên triển khai hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp chặt chẽ, tích cực với Bộ Tài chính, xây dựng Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước; cũng như nghị định, quy định về các hoạt động trao đổi carbon quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Paris.
Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường carbon tự nguyện cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ, nhằm khuyến khích sự tham gia chủ động từ khu vực tư nhân. Đến nay, sự tham gia của các doanh nghiệp đang được phát huy, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng chuyển đổi xanh, các dự án xanh.
“Như vậy, xây dựng và phát triển thị trường carbon là bước đi chiến lược của để hướng tới mục tiêu phát triển xanh – Net Zero,” ông Cường nhấn mạnh.
Tuy vậy, Tiến sỹ Tăng Thế Cường cũng lưu ý để thị trường carbon phát triển hiệu quả, trong thời gian tới, Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý, ban hành Nghị định về sàn giao dịch carbon, xây dựng quy định tiêu chuẩn tín chỉ carbon và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Với mục tiêu đó, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu bày tỏ hy vọng thông qua diễn đàn hôm nay được tổ chức tại Hà Nội, đại diện của các doanh nghiệp khu vực tư nhân sẽ có những bước chuẩn bị cần thiết để có thể sẵn sàng tham gia thị trường carbon; cũng như giúp các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thực tiễn, đa chiều, làm cơ sở để nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách, đảm bảo hiệu quả cao khi thực thi chính sách.
Bài học kinh nghiệm từ quốc tế

Từ “góc nhìn” tổ chức nghiên cứu quốc tế, bà Elvira Morella – Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế (IFC), cho rằng trên hành trình hướng đến Net Zero, vai trò của khu vực tư nhân trong đổi mới sáng tạo, thực hành phát triển bền vững để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “O” và các mục tiêu khí hậu vào năm 2050 là rất quan trọng.
Theo thống kê, hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp trên thế giới đã có cam kết đạt Net Zero trong thỏa thuận chung toàn cầu đồng thời nhu cầu tín chỉ carbon từ người tiêu dùng và nhà đầu tư quốc tế cũng đang tăng lên nhanh chóng.
Đặc biệt với thị trường carbon, kinh nghiệm quốc tế cho thấy thị trường xanh này không thể phát triển đơn độc mà đòi hỏi sự hợp tác xuyên biên giới.

Bà Sibylle Bachmann – Trưởng Cơ quan hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, cũng cho rằng để thị trường carbon có thể vận hành hiệu quả, rất cần có sự tham gia chủ động của khu vực tư nhân.
Nêu thực tế tại Thụy Sĩ, bà Sibylle Bachmann cho biết đất nước của bà có mức độ công nghiệp hóa cao, có đầy đủ các đạo luật về biến đổi khí hậu và có sự kết nối mạnh mẽ thông qua hợp tác quốc tế với các nước trên toàn cầu; đặc biệt là sự hợp tác quốc tế để đạt được các mục tiêu khí hậu.
“Thụy Sĩ đặt ra mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘O’ vào năm 2050 và đã hoàn tất giao dịch tín chỉ carbon quốc tế đầu tiên theo cơ chế của Điều 6 trong Thỏa thuận Paris,” bà Sibylle Bachmann nói và cho biết Thụy Sĩ cũng tích cực hợp tác với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.
Với mong muốn lan tỏa kinh tế xanh, trong giai đoạn 2025-2028, tài chính khí hậu là nội dung được ưu tiên và có tính cốt lõi trong hợp tác với Việt Nam. Thụy Sỹ cam kết đồng hành cùng Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero.
Vì thế, Trưởng Cơ quan hợp tác phát triển – Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam kỳ vọng các sáng kiến của doanh nghiệp Việt Nam cần mang tính chủ động và tích cực; thiết lập thị trường minh bạch, áp dụng đổi mới sáng tạo, biến mục tiêu khí hậu của toàn cầu thành các hành động hiệu quả.
Tại diễn đàn, Cục Biến đổi khí hậu và IFC cũng đã công bố báo cáo kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon của khối doanh nghiệp Việt Nam trong bốn ngành trọng điểm, bao gồm: Sản xuất lúa gạo, chế biến thực phẩm và đồ uống, chăn nuôi và quản lý chất thải.
Kết quả khảo sát trên cho thấy phần lớn doanh nghiệp đã nhận thức rõ vai trò và tiềm năng của thị trường carbon đồng thời mong muốn được tiếp cận thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và thể chế để chuẩn bị sẵn sàng tham gia./.
Hùng Võ