Chiến lược phát triển xanh, bền vững gắn kết chặt chẽ với mục tiêu kinh doanh được nhìn nhận là điều kiện tiên quyết cho thành công của doanh nghiệp (DN). Vì vậy, DN cần tư duy đúng về phát triển bền vững, xem đây là cơ hội thay vì là “gánh nặng”.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2023, với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực thi kinh doanh bền vững”, diễn ra ngày 23/8/2023.
PV: Thưa ông đâu là nguyên nhân vấn đề phát triển xanh, phát triển bền vững được đề cập nhiều và quan tâm như hiện nay?
Ông Nguyễn Quang Vinh: – Cộng đồng DN thế giới đang chuyển mình rất mạnh mẽ hướng tới mục tiêu Net Zero trên hành trình kinh doanh bền vững. Các tiêu chuẩn về doanh thu, lợi nhuận, lợi ích cổ đông hay những con số tài chính không còn là thước đo duy nhất cho thành công của DN, mà giờ đây đã mở rộng thêm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ. Chỉ khi cân bằng được chiếc kiềng 3 chân: kinh tế – xã hội – môi trường, DN mới có thể thành công trong thời đại ngày nay.
Hơn nữa, xu hướng kinh doanh bền vững toàn cầu hiện nay, như: chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn, lồng ghép vấn đề tự nhiên và đa dạng sinh học vào các mục tiêu về khí hậu; củng cố nguồn vốn con người; xây dựng văn hóa đa dạng, bao trùm và bình đẳng trong DN; thẩm thấu tư duy quản trị theo định hướng ESG từ ban lãnh đạo DN và công bố minh bạch thông tin thông qua lập báo cáo bền vững.
DN Việt Nam không thể đứng ngoài “cuộc đua” này. Đứng trước các yêu cầu về phát triển xanh, phát triển bền vững, cộng đồng DN cần định nghĩa lại thành công của DN không chỉ nằm ở các con số tài chính mà giờ đây còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ; hay DN cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.
Khi đã chuyển đổi về tư duy, các DN cũng cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, đó là: chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của DN theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong DN và thúc đẩy chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh).
Ông đánh giá thế nào về thách thức cũng như cơ hội thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam trong “cuộc đua xanh”, phát triển bền vững hiện nay?
– Thời gian qua, VCCI hợp tác với các tổ chức quốc tế, bộ, ngành liên quan, giới thiệu những xu hướng phát triển xanh, bền vững đến đông đảo các DN để từ đó nâng cao nhận thức, đưa DN tiệm cận hơn, bắt kịp với các xu thế kinh doanh đương đại trên thế giới.
Với cơ cấu hơn 96% là DN nhỏ và vừa tại Việt Nam thì việc chuyển đổi trong cộng đồng DN sẽ có nhiều thách thức. Tuy nhiên, với các sức ép từ sự thay đổi trong hành lang pháp lý, yêu cầu từ người tiêu dùng, các nhà đầu tư, thị trường xuất khẩu, tôi tin rằng DN Việt Nam sẽ buộc mình phải thay đổi để thích ứng tốt hơn trong bối cảnh mới hiện nay.
Hiện chúng ta có nhiều DN lớn, DN “đầu tàu” như PNJ, SASCO, Bảo Việt, Traphaco, Vinamilk, PAN Group, TBS, TNG… đang tiên phong thực hiện phát triển bền vững mạnh mẽ. Chính những DN này sẽ lan tỏa tinh thần phát triển bền vững đến các DN nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị của mình, hỗ trợ và tạo động lực, sức ép cho sự chuyển đổi sang kinh doanh bền vững.
Phát triển kinh tế xanh, bền vững còn nhiều khó khăn thách thức phía trước, ông có lời khuyên gì đối với cộng đồng DN?
– Trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, Việt Nam đều đã có chủ trương, định hướng về thúc đẩy quá trình chuyển dịch để hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Điển hình như trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các DN Việt Nam đang đối diện với một số thách thức chính yếu như: thiếu am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị doanh nghiệp; hạn chế về nguồn lực; hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng và khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được; năng lực quản trị còn yếu; khung hành lang pháp lý chưa đồng bộ, theo kịp với yêu cầu hiện tại và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khi triển khai thực tế.
Ngược lại, khi DN nắm bắt được những xu hướng kinh doanh bền vững của thế giới, biết tận dụng thời cơ để chuyển đổi thì sẽ có thể biến thách thức thành cơ hội. Đơn cử như xu hướng chuyển dịch đầu tư tăng trưởng xanh sang các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Có thể kể đến 9 dự án carbon thấp tại Việt Nam đã được chọn để tham gia “Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu” (CFA) của Chính phủ Anh, trị giá 11.8 triệu Bảng Anh. Các lĩnh vực được lựa chọn trong giai đoạn đầu như năng lượng tái tạo, sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, vận tải điện, AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác), phi carbon hóa trong ngành xây dựng, kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải… là những ngành có tiềm năng mang lại lợi ích cho cộng đồng trên khắp lãnh thổ Việt Nam…
PV: Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Quang Vinh khuyến nghị các DN nghiên cứu và sớm áp dụng Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) – một công cụ hỗ trợ quản trị DN bền vững dành riêng cho DN Việt Nam mà VCCI đã dày công phát triển và giới thiệu từ năm 2016. Đây là cuốn cẩm nang hữu ích cho DN trên bước đường phát triển kinh tế xanh, bền vững theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ đề ra.
Song Linh (thực hiện)