80% doanh nghiệp hướng đến tiêu chuẩn ESG
“Việc đầu tư áp dụng các tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) giúp doanh nghiệp Việt có khả năng đưa mình trở thành một mắt xích mạnh trong chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu”, ông Vũ Chí Công, Quỹ Đầu tư VinaCapital nhận định.
Theo ông Vũ Chí Công, trong các cuộc chơi thương mại quốc tế, ESG chính là tiêu chí để đánh giá lộ trình phát triển bền vững. Hiện dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là động lực quan trọng của nền kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh việc tuân thủ yếu tố môi trường trong nước cũng yêu cầu thêm tiêu chuẩn thực hành ESG. VinaCapital thường thẩm định chuyên sâu về ESG trước khi ra quyết định đầu tư vốn cho tư nhân, cân nhắc những rủi ro liên quan đến ESG trong quá trình đánh giá các cơ hội đầu tư. Quỹ sẽ thoái vốn khi nhận được bằng chứng về những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến ESG hoặc doanh nghiệp không thực hiện quản trị các rủi ro liên quan đến ESG đã được xác định.
Hiện tại đã có hơn 4.000 quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào các dự án mang xu hướng ESG với tổng số vốn lên đến hàng trăm nghìn tỷ USD. Tại Hội thảo “Lộ trình chuyển đổi xanh và những điều doanh nghiệp cần biết” vừa diễn ra ở Hà Nội, TS. Nguyễn Phương Nam, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu Klinova cho rằng, Việt Nam đang ở thời kỳ dễ dàng bắt gặp những doanh nghiệp sẵn sàng từ chối hợp tác khi không có các chứng chỉ ESG. Điều đó cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Theo khảo sát của Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), thực hành tiêu chuẩn ESG ở Việt Nam đã ghi nhận 80% doanh nghiệp cam kết có kế hoạch triển khai sớm.
Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) Phạm Thị Ngọc Thủy, sự chuyển đổi nằm ở tư duy của người lãnh đạo. Nếu như chủ doanh nghiệp, lãnh đạo hiệp hội không hiểu được sự cấp thiết chuyển đổi thì việc thay đổi sẽ còn nhiều khó khăn. Khi các doanh nghiệp không tự mình cải thiện được, có thể kết hợp với các cơ chế hỗ trợ quốc tế và trong nước, đặc biệt là cơ chế mua – bán tín chỉ carbon.
Vai trò trụ cột của khối tư nhân
TS. Nguyễn Phương Nam cho biết, tại COP 26, Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tại COP 27, Việt Nam được cam kết nhận hỗ trợ 15,5 tỷ USD trong 2 – 3 năm tới để thực hiện chuyển dịch năng lượng công bằng. Việc thực hiện cam kết là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp tư nhân là trụ cột quan trọng để vừa hiện thực hóa mục tiêu “Net Zero”, vừa giúp chính doanh nghiệp theo đuổi chiến lược chuyển đổi xanh phù hợp với xu hướng trên toàn thế giới.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2022 – 2040 là 368 tỷ USD; trong đó khối tư nhân 184 tỷ USD, khu vực công 130 tỷ USD và bên ngoài 54 tỷ USD. Con số này cho thấy khối tư nhân đóng vai trò rất quan trọng, góp phần bổ sung vào nguồn vốn thiếu hụt cho tài chính xanh, tài chính khí hậu.
Thực tế, tài chính công không đủ cho các mục tiêu về thích ứng và giảm nhẹ, khu vực tư nhân chiếm khoảng 60% đầu tư toàn cầu liên quan đến vấn đề khí hậu. Việc đầu tư có trách nhiệm để phát triển bền vững của khối tư nhân cần đẩy mạnh, thông qua các hình thức: Cho vay xanh, trái phiếu xanh và thị trường carbon.
Để chuyển đổi xanh tốt, TS. Nguyễn Phương Nam cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân phải tái cấu trúc phát triển mô hình kinh doanh trong dài hạn thông qua việc cập nhật xu thế về mô hình kinh doanh tinh gọn, hiệu quả. Chuyển đổi mô hình kinh doanh, sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, ít thâm dụng lao động, tiêu thụ tài nguyên, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thặng dư… Hướng tới chuyển đổi số công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu về xanh và bền vững cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Phát triển và hình thành bộ phận chuyên trách về “xanh/bền vững” tại cấp lập chiến lược.
Ở cấp triển khai cụ thể, cần tự đánh giá hiện trạng, mức độ áp dụng thực hành ESG; xây dựng thói quen, quy định nội bộ thống kê theo bộ chỉ số phát triển bền vững để hướng tới hoàn thiện các công bố thông tin ESG; tối ưu hóa quy trình, hình thành bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) trong sản xuất để giảm sử dụng tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính định kỳ, các kế hoạch giảm nhẹ biến đổi khí hậu để sẵn sàng tham giá thị trường carbon khi thị trường chính thức vận hành từ năm 2028. Tập trung cải thiện các tiêu chí về phân loại xanh, chuyển dịch xanh để tăng cơ hội có được dòng vốn đầu tư từ nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
Hạnh Nhung