Trong năm 2024, phong trào du lịch Net Zero tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý rộng rãi với nhiều hoạt động nổi bật, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hướng tới phát triển bền vững…
Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất là Diễn đàn Du lịch cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi xanh, du lịch Net Zero – Kiến tạo tương lai”, diễn ra vào ngày 5/9/2024 tại Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (ITE HCMC). Sự kiện này quy tụ các chuyên gia và nhà quản lý trong ngành để thảo luận, đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngoài các diễn đàn lớn, một số mô hình du lịch Net Zero cũng đã được triển khai thí điểm tại địa phương. Đáng chú ý là tour “Net Zero tours Bến Tre”, bắt đầu từ cuối tháng 3/2024, cho phép du khách trải nghiệm các hoạt động di chuyển, lưu trú và ăn uống được thiết kế thân thiện với môi trường. Sáng kiến “passport Net Zero” ra đời trong chương trình này nhằm khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường và sự tham gia vào các hoạt động tái tạo.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào thực tiễn, khái niệm Net Zero trong du lịch tại Việt Nam vẫn đặt ra nhiều câu hỏi lớn về tính khả thi và thực chất. Việc áp dụng dường như còn khá nóng vội, với những cam kết và tuyên bố chưa được cụ thể hóa bằng các tiêu chuẩn rõ ràng hoặc cơ chế kiểm chứng hiệu quả. Qua các hoạt động truyền thông và thực tế trải nghiệm, nhiều ý kiến cho rằng du lịch Net Zero chưa tạo ra sự khác biệt đáng kể so với du lịch xanh truyền thống. Các cụm từ như “thân thiện môi trường” hay “phát triển bền vững” vẫn được sử dụng chung chung, thiếu nội dung cụ thể để phân định rõ bản chất của du lịch Net Zero.
Một chương trình du lịch Net Zero về bản chất phải tập trung vào các hoạt động trải nghiệm giúp trung hòa lượng carbon mà du khách đã phát thải trong chuyến đi. Theo logic này, phần lớn các trải nghiệm của du lịch Net Zero sẽ xoay quanh việc bù đắp môi trường, hay nói một cách nôm na là, giúp du khách “giải nghiệp” carbon mà họ đã tạo ra.
Du lịch Net Zero: một khái niệm cần làm rõ
Du lịch xanh từ lâu đã được biết đến với các nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, thông qua bảo tồn cảnh quan, duy trì đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Trong khi đó, du lịch Net Zero không chỉ kế thừa các nguyên tắc này mà còn đặt ra mục tiêu tham vọng hơn: đạt mức phát thải ròng bằng 0. Điều này không chỉ đòi hỏi việc giảm phát thải mà còn cần các biện pháp bù đắp carbon một cách có hệ thống và hiệu quả, thông qua các hoạt động như trồng rừng, áp dụng công nghệ hấp thụ carbon, hoặc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
Thực tế, trước khi du khách đặt chân đến điểm đến, họ đã góp phần tạo ra một lượng lớn khí thải từ các hoạt động như di chuyển và lưu trú. Một hành khách di chuyển bằng máy bay có thể thải ra từ 0,14-0,55 ki lô gam CO2 mỗi ki lô mét bay, tùy thuộc vào hạng ghế và khoảng cách chuyến bay. Ngoài ra, một đêm lưu trú tại khách sạn trung bình thải ra khoảng 0,0383 ki lô gam CO2/phòng. Do đó, một chương trình du lịch Net Zero về bản chất phải tập trung vào các hoạt động trải nghiệm giúp trung hòa lượng carbon mà du khách đã phát thải trong chuyến đi. Theo logic này, phần lớn các trải nghiệm của du lịch Net Zero sẽ xoay quanh việc bù đắp môi trường, hay nói một cách nôm na là, giúp du khách “giải nghiệp” carbon mà họ đã tạo ra.
Nếu thiếu các tiêu chuẩn đo lường cụ thể, các cơ chế kiểm chứng minh bạch và sự đồng bộ trong triển khai, du lịch Net Zero rất dễ rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ”, trở thành một nhãn mác thời thượng nhưng thiếu thực chất.
Hai vấn đề cần làm rõ trong triển khai du lịch Net Zero
Do vậy, để du lịch Net Zero thực sự mang lại giá trị bền vững và khác biệt so với các hình thức du lịch xanh truyền thống, cần giải quyết hai vấn đề cốt lõi:
Thứ nhất, cần thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn đo lường và giám sát lượng phát thải rõ ràng, chi tiết và minh bạch. Hệ thống này phải bao quát được tất cả hoạt động liên quan đến du lịch, từ vận chuyển, lưu trú đến các dịch vụ và trải nghiệm mà du khách tham gia. Những tiêu chuẩn này không chỉ giúp xác định mức độ phát thải của từng hoạt động mà còn đóng vai trò là công cụ quan trọng để đo lường tiến độ trong việc đạt được mục tiêu Net Zero. Ví dụ, cần có các chỉ số cụ thể để đánh giá lượng CO2 thải ra từ việc di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa, hay xe buýt, cũng như từ các hoạt động lưu trú hoặc ăn uống. Việc công khai những số liệu này sẽ tạo sự minh bạch, giúp du khách và các bên liên quan hiểu rõ tác động thực tế của mình đối với môi trường. Nếu không có những tiêu chuẩn và công cụ đo lường đáng tin cậy, du lịch Net Zero có nguy cơ chỉ dừng lại ở những tuyên bố hình thức.
Thứ hai, cần xây dựng các hoạt động trải nghiệm được thiết kế để trung hòa lượng carbon đã phát thải. Những hoạt động này không chỉ đơn thuần mang tính giải trí hay khám phá mà phải gắn liền với việc giảm thiểu và xa hơn nữa là bù đắp phát thải carbon. Một số ví dụ điển hình bao gồm trồng cây tại các khu vực rừng ngập mặn, tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo như trang trại năng lượng mặt trời, hoặc hỗ trợ các sáng kiến tái chế tại địa phương. Những hoạt động này vừa giúp giảm thiểu lượng carbon mà du khách đã tạo ra, vừa mang lại giá trị giáo dục, giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, trong trường hợp không thể trực tiếp tham gia các hoạt động bù đắp carbon, cần xác định rõ các khoản “phí môi trường” mà du khách phải đóng góp, cùng với sự minh bạch về mục đích và đích đến của các khoản phí này. Các dự án tái tạo được hỗ trợ bằng những khoản phí này – chẳng hạn như trồng rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, hoặc cải thiện công nghệ hấp thụ carbon – cần được triển khai tại các khu vực cụ thể mà du khách có thể quan sát và cảm nhận được. Sự kết nối này sẽ giúp du khách hiểu rằng khoản đóng góp của họ không chỉ mang tính chất lý thuyết mà thực sự tạo ra tác động tích cực cho môi trường.
Bình mới có làm nên rượu mới?
Du lịch Net Zero là một khái niệm đầy hứa hẹn, nhưng để trở thành hiện thực và mang lại giá trị bền vững, cần có cách tiếp cận thận trọng và khoa học. Nếu thiếu các tiêu chuẩn đo lường cụ thể, các cơ chế kiểm chứng minh bạch và sự đồng bộ trong triển khai, du lịch Net Zero rất dễ rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ”, trở thành một nhãn mác thời thượng nhưng thiếu thực chất. Ngược lại, nếu được thực hiện đúng cách, đây không chỉ là một bước tiến lớn trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn mở ra một cơ hội để định hình tương lai bền vững cho ngành du lịch tại Việt Nam.
Lương Hà