Tiêu thụ năng lượng công trình giảm xuống từ 112 MWh xuống còn 60 MWh (tương ứng mức tiêu thụ năng lượng giảm từ 154kWh/m2/năm xuống còn 81 kWh/m2/năm) với các giải pháp bao gồm: thay đổi tỷ lệ kính trên tường, thay đổi hướng nhà, thay đổi loại kính, thêm che nắng ngang, xem xét ảnh hưởng che nắng công trình lân cận và pin mặt trời trên mái nhà, tinh chỉnh vận hành và phụ tải trong nhà… Nếu áp dụng thêm các giải pháp xây tường che nắng dọc và có thêm cây cối xung quanh công trình, tiêu thụ năng lượng tiếp tục giảm xuống 45 MWh, tương ứng với chỉ số năng lượng EUI còn 62 kWh/m2/năm.
Đây là kết quả làm việc của một trong tám nhóm sinh viên thực hành tại chương trình đào tạo “SBVN – ĐHXD K1.2023: Công trình hiệu quả năng lượng – Áp dụng tiêu chuẩn và công cụ mới”, đồng tổ chức bởi chương trình SBVN, công ty EDEEC và trường Đại học Xây dựng.
Chương trình diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng 04 vừa qua với nội dung đào tạo tập trung vào việc giúp sinh viên bước đầu áp dụng các công nghệ mới, như phần mềm tính kính, phần mềm mô phỏng OpenStudio, thực hành trực tiếp trên một công trình cụ thể, thực hiện tính và so sánh số liệu tiêu thụ năng lượng cụ thể giữa các phương án thiết kế khác nhau. Nội dung chương trình bao gồm:
- Giới thiệu khái niệm công trình hiệu quả năng lượng, Net Zero Energy, các giải pháp thiết kế thụ động, sơ lược một số chứng chỉ công trình xanh và các điểm cốt lõi của công trình xanh;
- Giới thiệu về tính tỉ lệ kính trên tường WWR và hệ số SHGC theo quy chuẩn QCVN09:2017, đặc biệt với trường hợp mặt đứng có nhiều loại che nắng khác nhau;
- Giới thiệu kính hiệu quả năng lượng và tra dữ liệu kính trên catalog từ các nhà sản xuất phổ biến tại Việt Nam;
- Giới thiệu phần mềm chọn kính Window, cách tính thông số kính trên phần mềm Windows;
- Hướng dẫn sử dụng phần mềm OpenStudio đo lại hiệu quả tiêu thụ năng lượng công trình khi áp dụng các giải pháp thiết kế kiến trúc khác nhau;
Chương trình đã lựa chọn phần mềm OpenStudio để thực hành: đây là một trong những phần mềm có lõi tính toán chính xác nhất từng được tạo ra (được coi như một tiêu chuẩn công nghiệp và được bộ năng lượng Hoa Kỳ công nhận có thể dùng để tính toán khuyến khích thuế, tài chính cho các công trình hiệu quả năng lượng), quan trọng hơn, đây là phần mềm hoàn toàn miễn phí cho mọi đối tượng, bao gồm cả sinh viên hay người làm nghề có thể tiếp tục sử dụng sau này.
Chương trình được thiết kế để cân bằng giữa nội dung lý thuyết và thực hành. Các nội dung lý thuyết gắn liền với thực tiễn được giới thiệu trong ngày đầu tiên. Ngày thứ 2, sinh viên được thực hành áp dụng công nghệ mới, tự tìm kiếm dữ liệu và sáng tạo các giải pháp bất kỳ đem lại hiệu quả cho công trình. Có 8 nhóm sinh viên đã tham gia chương trình đầy đủ cả 2 ngày, cuối ngày thứ 2, thầy trưởng bộ môn công bố các nhóm sẽ được cộng điểm vào đồ án, nhờ đã thu thập được những kiến thức vô cùng hữu ích, bám sát thực tế cho các công việc sau này.
Mỗi nhóm sinh viên thực hành trên một mô hình công trình 733 m2 bao gồm tổng hợp các công việc liên quan tới vận hành, nhiệt và năng lượng công trình. Ví dụ như thiết kế nhiệt vỏ bao công trình, lựa chọn kính, bổ sung che nắng, mái năng lượng mặt trời… Bước đầu làm quen với thiết lập lịch vận hành, bố trí hệ thống điều hòa, đặt nhiệt độ vận hành, chỉnh hệ thống đèn chiếu sáng, sơ bộ về vận hành các thiết bị điện trong mô phỏng. Dù còn rất bỡ ngỡ, chỉ trong một thời gian ngắn hầu hết các bạn đã làm quen với công cụ mới.
Các bạn sinh viên cũng được thoải mái sáng tạo các giải pháp thiết kế thụ động, chính là sở trường của các kiến trúc sư tương lai, áp dụng vào công trình để nâng cao hiệu quả năng lượng. Nhờ việc áp dụng công nghệ hiện đại, các kiến trúc sư công nghệ có thể so sánh hiệu quả tài chính, kỹ thuật, năng lượng giữa các phương án thiết kế, có con số cụ thể.
Từng nhóm sinh viên đã trình bày lại các giải pháp và kết quả tiêu thụ năng lượng tương ứng của mình.
Nhóm giải nhất không chỉ thiết lập chính xác các hệ thống kỹ thuật vào mô hình mô phỏng mà còn có những giải pháp hiệu quả năng lượng thuyết phục giúp giảm nhiều nhất mức độ tiêu thụ năng lượng cho công trình. Vào cuối buổi, các thầy cô và các chuyên gia đã trao giải cho một nhóm giải nhất, một nhóm giải nhì, một nhóm giải ba và năm nhóm giải khuyến khích cho các bạn sinh viên.
Chương trình có sự tham gia của hơn 50 em sinh viên khoa Kiến trúc Công nghệ trường Đại học Xây dựng cùng rất nhiều các thầy cô bộ môn Kiến trúc Công nghệ và Kiến trúc Môi trường. Mỗi bạn đều đã vượt qua trắc nghiệm lý thuyết và phần thực hành nhóm với bài thuyết trình tổng hợp để được nhận chứng chỉ hoàn thành chương trình được cấp bởi chương trình SBVN và trường Đại học Xây dựng.
Các nhóm sinh viên làm việc nghiêm túc, nhưng không kém phần sôi nổi, đặc biệt từ khi bắt đầu thử nghiệm và tìm kiếm các giải pháp thiết kế. Các bài thuyết trình đem lại nhiều ấn tượng và cảm xúc, dù chỉ có khoảng hơn hai giờ đồng hồ để vừa làm quen vừa tự sáng tạo giải pháp. Buổi đào tạo đã diễn ra với đúng tinh thần tuổi trẻ của sinh viên Kiến trúc Xây dựng, với rất nhiều sáng tạo bất ngờ.
Chia sẻ ban đầu của các thầy Nguyễn Cao Lãnh, trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch đô thị cho biết: Chương trình hợp tác đào tạo với dự án SBVN rất ý nghĩa và hoàn toàn trùng khớp với xu thế đào tạo mới của trường Đại học Xây dựng. Tất cả thầy cô bộ môn Kiến trúc công nghệ và Môi trường kiến trúc tham gia chương trình đều mong muốn trong thời gian ngắn nhất, các nội dung đào tạo sẽ được đưa vào chương trình chính thức của nhà trường, với sự hỗ trợ từ các chuyên gia của chương trình SBVN.
Ngành Architectural Engineering là ngành học không còn mới lạ tại các nước phát triển nhưng tại Việt Nam đây là ngành học còn rất “hot”. Không chỉ mới lạ, đây lại là ngành then chốt thúc đẩy các công trình hiệu quả năng lượng hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 cho lĩnh vực công trình của Việt Nam, và là cốt lõi quan trọng nhất của tất cả các hệ thống công trình xanh.
Sự hợp tác trong thời gian tới giữa chương trình SBVN và các trường Đại học hứa hẹn sẽ mang tới cho Việt Nam những thế hệ người làm nghề có thể tự nghiên cứu áp dụng các công nghệ tốt nhất trên thế giới nhằm tạo ra những công trình ít tiêu thụ tài nguyên hơn, nhưng với chi phí thấp hơn.
EDEEC tự hào là đối tác chuyên môn chính thức, cung cấp các chuyên gia kỹ thuật chuyên sâu cho chương trình Sustainable Building Vietnam – SBVN, các chuyên gia của Edeec cũng đã trực tiếp tham gia giảng dạy cho chương trình đào tạo lần này.
Về chương trình Sustainable Building Vietnam – SBVN
SBVN là chương trình thúc đẩy công trình bền vững, công trình hiệu quả năng lượng cho Việt Nam, được chung tay xây dựng bởi tổ chức xã hội SBVN, công ty EDEEC và Viện nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững ISEER.
Chương trình SBVN đồng hành cùng các nhà phát triển bất động sản và các ban quản lý dự án, hỗ trợ miễn phí tính toán tiềm năng giảm chi phí đầu tư đồng thời nâng cao hiệu quả năng lượng. Song song, SBVN kết hợp cùng các trường Đại học để mang tới các chương trình đào tạo chất lượng cao, sát thực tế cho sinh viên.
Chương trình cũng tập trung phát triển các online database và diễn đàn nhằm chia sẻ kiến thức chuyên sâu cho cộng đồng làm nghề. Trong điều kiện thuận lợi, SBVN sẽ hỗ trợ thực hiện công trình trình diễn Net Zero Energy Ready, Net Zero Energy, chung tay giúp Việt Nam đạt cam kết Net Zero vào 2050.
(EDEEC)