Lâu nay, báo chí thường đưa tin về các vụ mua bán tín chỉ carbon từ các dự án giúp loại bỏ carbon nhưng thị trường này hoạt động như thế nào thì không phải người nào cũng nắm rõ.
Hiện có hai dạng thị trường carbon là hoạt động dựa trên sự tuân thủ các quy định và sự tự nguyện. Những tin tức mua bán tín chỉ carbon thường liên quan đến thị trường carbon tự nguyện (VCM).
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, thị trường carbon tự nguyện có thể làm xao nhãng cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Những người này lo ngại, nếu doanh nghiệp dựa vào những tín chỉ carbon có thể mua với giá rẻ chỉ vài đô la để sau đó thoải mái thải carbon mà không nỗ lực đầu tư công nghệ, giúp hạn chế phát thải thì sẽ không mang lại hiệu quả thực sự trong việc loại bỏ khí thải này.
Giao dịch khí thải carbon ngày càng trở nên phổ biến giữa nhà đầu tư tài chính, tổ chức doanh nghiệp và nhà phát triển dự án khử carbon. Mục đích của hoạt động mua bán này là nhằm giảm khí thải carbon, thủ phạm gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, làm biến đổi khí hậu, kéo theo các biến cố thời tiết ngày càng cực đoan và thường xuyên hơn như hạn hạn, lũ lụt.
Vì vậy, nhiều sàn giao dịch carbon đã ra đời trong những năm gần đây nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp muốn giảm khí thải tự nguyện cũng như các nhà phát triển dự án khử carbon. Doanh nghiệp gây ô nhiễm có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí carbon mà họ thải vào khí quyển. Một tín chỉ bù đắp carbon (carbon offset credit) đại diện cho một tấn khí thải nhà kính tương đương carbon (CO2e). Vì vậy, khi mua 1 tín chỉ carbon, doanh nghiệp có thể bù đắp cho 1 tấn khí carbon mà họ thải ra.
Mặt khác, các tổ chức phát thải ròng ở mức âm bằng cách chủ động giảm lượng carbon trong khí quyển, chẳng hạn như thông qua dự án tái tạo rừng, có thể tạo ra tín chỉ bù đắp carbon (thông qua các tổ chức xác minh và phát hành tín chỉ) và bán tín chỉ.
Hiện nay, bên cạnh các thị trường tuân thủ, có nhiều sàn giao dịch carbon tự nguyện trên thế giới, cho phép các bên liên quan tham gia mua bán tín chỉ bù đắp carbon.
Thị trường tuân thủ thúc đẩy doanh nghiệp giảm phát thải
Giao dịch carbon là quá trình mua bán tín chỉ carbon, tạo nên một hệ thống thị trường nhằm mục đích giảm phát thải carbon. Có hai dạng thị trường carbon riêng biệt. Thị trường đầu tiên dựa vào các quy định giới hạn và giao dịch carbon (cap-and-trade regulations), hay còn gọi là thị trường tuân thủ.
Theo đó, một quốc gia hoặc một khối các quốc gia trong đó có Liên minh châu Âu ban hành quy định cấp hạn mức “xả” khí carbon hàng năm của doanh nghiệp trong những lĩnh vực gây ô nhiễm lớn như điện lực, thép, xi măng, hàng không… Nếu doanh nghiệp “xả” carbon vượt hạn mức thì phải mua thêm tín chỉ phát thải carbon, hay còn gọi là giấy phép phát thải carbon. Doanh nghiệp thải carbon dưới mức cho phép sẽ có quyền bán hạn mức phát thải còn dư cho doanh nghiệp “xả” carbon quá mức được cấp.
Ý tưởng của chương trình giao dịch khí thải đến từ Nghị định thư Kyoto 2005, với trọng tâm là thỏa thuận hạn chế phát thải, đồng thời cho phép các ngành công nghiệp và các nước bán quyền phát thải nếu họ có lượng khí thải nằm dưới mức cho phép.
Hiện nay, thị trường carbon tuân thủ lớn nhất thế giới là hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS), áp dụng cho Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), gồm các thành viên của EU và thành viên của Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (ngoại trừ Thụy Sĩ).
EU ETS đặt ra giới hạn phát thải carbon tương đương hàng năm đối với ngành sản xuất điện, nhiệt và các các ngành gây ô nhiễm cao khác như lọc dầu, sắt thép, nhôm, xi măng, giấy… cũng như các chuyến bay trong khu vực EEA. Mức giới hạn phát thải này sẽ giảm dần qua từng năm. Bắt đầu từ năm 2024, hệ thống EU ETS được mở rộng để bao gồm lượng khí thải từ tất cả các tàu lớn (có tổng dung tích từ 5.000 tấn trở lên (1 tấn dung tích tương đương bằng 2,831 mét khối) ghé các cảng của EU, bất kể tàu đó treo nước nào. Kể từ năm 2027, hệ thống này sẽ mở rộng sang lĩnh vực vận tải đường bộ và các tòa nhà trong khu vực.
Mục tiêu của EU ETS là đến năm 2030, giảm lượng phát phát thải carbon ròng trong khu vực xuống còn 62% so với mức của năm 2005.
Hàng năm, hệ thống EU ETS sẽ phát hành giấy phép phát thải (EU Allowances – EUA), hay còn gọi là tín chỉ carbon, với số lượng tương đương với giới hạn phát thải đã đặt ra cho các ngành công nghiệp. 24% EUA sẽ được phân bổ cho một quỹ dự trữ bình ổn thị trường. Số EUA còn lại sẽ được bán đấu giá và cung cấp miễn phí.
Các công ty trong các ngành công nghiệp liên quan có thể được cấp một lượng EUA miễn phí nhất định cũng như mua EUA thông qua các cuộc đấu giá ở Sàn giao dịch năng lượng châu Âu (EEX), có trụ sở ở Leipzig, Đức.
Chẳng hạn, các công ty trong ngành công nghiệp sản xuất nhận được số lượng EUA miễn phí tương đương 80% giới hạn phát thải trong năm 2013. Tỷ lệ giấy phép phát thải miễn phí đối với ngành này giảm dần hàng năm và xuống còn 30% trong năm 2020. Nhìn chung, đối với hầu hết các ngành, số lượng EUA cấp miễn phí sẽ giảm về zero vào cuối thập niên này.
Vào ngày 30/9 hàng năm, tất cả các công ty tham gia hệ thống EU ETS phải nộp lại số lượng EUA, tương đương với lượng carbon mà doanh nghiệp thải ra trong năm trước đó. Các công ty sẽ bị phạt 100 euro cho mỗi EUA nộp thiếu nhưng vẫn bị buộc phải nộp số EUA còn thiếu vào năm sau.
Những công ty không sử dụng hết EUA có thể để dành để sử dụng trong tương lai, hoặc bán lại cho các công ty khác thông qua thị trường thứ cấp. Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ giảm phát thải để tránh rủi ro tài chính liên quan đến chi phí phát thải carbon.
Hầu hết doanh thu từ các cuộc đấu giá EUA được phân bổ cho các nước thành viên của EU ETS. Kể từ năm 2013, các cuộc đấu giá này huy động được hơn 150 tỉ euro. Các nước thành viên chi khoảng 75% số tiền này cho các mục đích liên quan đến khí hậu. Giờ đây, theo quy định mới, họ phải chi 100% nguồn thu này cho các dự án liên quan đến khí hậu. Giá mỗi EUA từng vượt mức 100 euro vào năm 2023, nhưng giảm xuống còn 67 euro vào ngày 10/7.
Thị trường tự nguyện giúp loại bỏ carbon khỏi khí quyển
Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải lưu ý là giấy phép phát thải giao dịch ở các thị trường tuân thủ như EU ETS chỉ giúp hạn chế phát thải carbon, chứ không thực sự giúp loại bỏ khí thải này từ khí quyển.
Trái lại, thị trường carbon tự nguyện (VCM) hoạt động không dựa vào quy định giới hạn phát thải của các chính phủ. Thị trường này phát triển bùng nổ trong những năm gần đây do Thỏa thuận khí hậu Paris kêu gọi doanh nghiệp thực hiện mục tiêu đưa lượng phát thải carbon ròng về zero (Net-Zero).
Khác với giấy phép phát thải trong các chương trình ETS, tín chỉ bù đắp carbon, giao dịch trên các thị trường tự nguyện là dạng tín chỉ đại diện cho mỗi tấn khí carbon thực sự được loại bỏ khỏi khí quyển. Việc loại bỏ này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như trồng cây, hút carbon trực tiếp từ nguồn phát thải hoặc từ khí quyển. Những dự án giúp loại bỏ carbon khỏi khí quyển có thể bán lượng carbon này dưới dạng tín chỉ bù đắp carbon. Các doanh nghiệp lớn tự nguyện mua tín chỉ bù đắp carbon chủ yếu là để nâng cao danh tiếng bảo vệ môi trường, cải thiện hình ảnh trong mắt của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Nhiều chuyên gia đánh giá, giao dịch tín chỉ bù đắp carbon là giải pháp tiết kiệm chi phí cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia chỉ trích thị trường carbon tự nguyện làm xao nhãng cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Họ lo ngại, nếu doanh nghiệp dựa vào những tín chỉ carbon có thể mua với giá rẻ chỉ vài đô la, để thoải mái “xả” carbon mà không nỗ lực đầu tư công nghệ giúp hạn chế phát thải thì sẽ không thực sự giảm thiểu được khí carbon.
Bất chấp những lời chỉ trích, hoạt động buôn bán carbon trên thị trường tự nguyện vẫn là ý tưởng trọng tâm trong nhiều đề xuất nhằm chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Hiện nay, quy mô của thị trường carbon tự nguyện khoảng 2 tỉ đô la Mỹ/năm và dự kiến đạt 250 tỉ đô la vào năm 2050, theo dự báo của ngân hàng Morgan Stanley.
Lê Linh (Theo carboncredits, Asia One, Europa.eu, unfccc.int)