
Thành phố Huế có nhiều dư địa phát triển công nghiệp nói chung, trong đó sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nói riêng trong giai đoạn tiếp theo. Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương cho biết: Thành phố Huế là một trong 14 tỉnh Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, thuộc tiểu Vùng Trung Trung bộ và một trong 4 tỉnh, thành phố của Vùng động lực miền Trung (gồm Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi), nằm trên hành lang kinh tế Đông – Tây nối Việt Nam với Lào và có cửa ngỏ giao thương thuận lợi bao gồm trục giao thông quan trọng xuyên Bắc – Nam. Trong đó, thành phố Huế có nhiều dư địa phát triển công nghiệp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nói chung và và lĩnh vực năng lượng nói riêng.
“Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của thành phố và mục tiêu phát triển xanh và bền vững, Huế đang ưu tiên, khuyến khích các dự án năng lượng mặt trời, điện gió, năng lượng sinh khối, góp phần giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường theo định hướng quy hoạch điện VIII điều chỉnh tại Công văn số 1649/BCT-ĐL ngày 05/3/2025 của Bộ Công Thương”, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Sở Công Thương thành phố Huế cho hay, trong quy hoạch phát triển năng lượng thành phố Huế thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm các loại hình nguồn điện sau:
Đối với tiềm năng năng lượng mặt trời: Hiện trạng có 2 nhà máy điện đã đưa vào vận hành với tổng công suất 92MWp và 530 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 61 MWp. Định hướng giai đoạn 2025-2030 phát triển tăng thêm điện mặt trời tập trung, công suất 397 MW; điện mặt trời mái nhà, công suất 50MW. Định hướng giai đoạn 2031-2035 phát triển tăng thêm điện mặt trời tập trung, công suất 1.538 MW; điện mặt trời mái nhà, công suất 136MW.
Đối với tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ: Toàn thành phố Huế có 13 nhà máy thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng công suất 459,3 MW. Định hướng giai đoạn 2025-2030 phát triển tăng thêm 31MW. Định hướng giai đoạn 2031-2035 phát triển tăng thêm 51,9MW.
Đối với tiềm năng sinh khối và điện rác: Trên địa bàn thành phố có 1 nhà máy điện rác công suất 12 MW đã đưa vào vận hành. Định hướng giai đoạn 2025-2030 phát triển tăng thêm 12MW. Định hướng giai đoạn 2031-2035 phát triển tăng thêm: 58MW.
Đối với tiềm năng điện gió: Định hướng giai đoạn 2025-2030 phát triển tăng thêm 150MW.
Đối với các Dự án nhà máy điện khí: Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô có diện tích có diện tích 27.108 ha; gồm Khu phát triển du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái cao cấp, Khu du lịch kết hợp với nhà ở đô thị; Dịch vụ đô thị công nghiệp – công nghiệp kỹ thuật cao; dịch vụ du lịch; khu vui chơi giải trí; Khu phi thuế quan – công nghiệp – dịch vụ hậu cảng. Trong đó đất dành cho phát triển nhà máy điện khí LNG, công suất 4.000 MW khoảng 350 ha có Cảng nước sâu Chân Mây đáp ứng được tàu cập bến 100.000 tấn, gần vị trí đấu nối lưới điện quốc gia, hệ thống giao thông thuận lợi.
Thành phố Huế, với tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng mặt trời và gió, đang tích cực đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Mục tiêu của Huế là giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, đồng thời bảo vệ môi trường và tạo ra những cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng.
Nguyễn Tuấn