Theo báo cáo của BloombergNEF, tổng vốn đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn cầu đã vượt 2 nghìn tỷ USD trong năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng. Tuy nhiên, để giữ vững lộ trình Net Zero vào năm 2050, thế giới cần đầu tư 5,6 nghìn tỷ USD mỗi năm từ 2025 đến 2030, tức là cao gấp gần 3 lần so với hiện tại. Báo cáo “Xu hướng đầu tư vào chuyển đổi năng lượng 2025” cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng đầu tư đang chậm lại so với giai đoạn 2021-2023. Trong khi đầu tư vào năng lượng sạch đã từng tăng 24-29% mỗi năm, thì trong năm 2024, mức tăng trưởng chỉ đạt 11%. Điều này đặt ra lo ngại về tiến độ của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Các khu vực đầu tư vào năng lượng sạch nhiều nhất:
- Trung Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 818 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước, vượt xa tổng đầu tư của Mỹ, EU và Anh cộng lại.
- Mỹ duy trì ở mức 338 tỷ USD, không tăng trưởng.
- Liên minh châu Âu (EU) giảm xuống còn 381 tỷ USD.
- Anh giảm mạnh xuống 65,3 tỷ USD.
Trong đó, giao thông điện khí hóa là lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất, với 757 tỷ USD.
Báo cáo của BNEF chỉ ra rằng với mức đầu tư 2,1 nghìn tỷ USD hiện tại, thế giới mới chỉ đạt 37% so với mức yêu cầu để giữ vững lộ trình Net Zero vào năm 2050. Ông Albert Cheung, Phó Giám đốc điều hành của BloombergNEF, nhận định: “Còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt trong các lĩnh vực khử carbon công nghiệp, hydro xanh và công nghệ thu giữ carbon, nếu chúng ta muốn đạt mục tiêu Net Zero toàn cầu”. BNEF nhấn mạnh rằng trong những năm tới, các khoản đầu tư cần tập trung vào các lĩnh vực:
- Khử carbon trong công nghiệp – đặc biệt là các ngành thép, xi măng và hóa chất.
- Phát triển hydro xanh – làm nguồn nhiên liệu sạch thay thế.
- Công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) – giúp giảm lượng khí CO₂ thải vào khí quyển.
Các chính phủ và doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng tốc đầu tư vào năng lượng sạch, công nghệ thu giữ carbon và hydro xanh. Nếu không có các biện pháp quyết liệt hơn, thế giới sẽ khó có thể đáp ứng được lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cần thiết để bảo vệ môi trường và ổn định nền kinh tế toàn cầu.
Minh An – Net Zero Việt Nam