Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia tích cực và chủ động vào nỗ lực cắt giảm phát thải carbon, ứng phó biến đổi khí hậu, quản trị doanh nghiệp bền vững và thực hiện các hoạt động phát triển cộng đồng như một phần trong các tiêu chí ESG (khung đánh giá về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).
Đồng thời, coi đây là cơ hội để phát triển và mong muốn có thêm các cơ chế chính sách để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện. Xung quanh những lợi ích khi áp dụng tiêu chí này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD).
– ESG đã trở thành xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp lựa chọn. Xu thế này đã được thúc đẩy trong vài năm qua, ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm và hưởng ứng của các doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Kết quả của cuộc thăm dò gần đây do Công ty PwC và Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tiến hành cho thấy có tới 80% các doanh nghiệp Việt Nam đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong vòng từ 2-4 năm tới; trong đó, 57% các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG; 58% các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam cho biết có kế hoạch cam kết ESG trong tương lai gần.
Ngoài ra, có 40% doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình trong khảo sát cho biết đã đặt ra các cam kết ESG. Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam xếp yếu tố quản trị là ưu tiên hàng đầu trong chương trình triển khai với 62% lựa chọn. Sau đó, là yếu tố môi trường với 22% và yếu tố xã hội chiếm 16%.
Cục Phát triển Doanh nghiệp-Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa tiến hành khảo sát, đánh giá nhận thức của doanh nghiệp về ESG, kết quả cho thấy 83% doanh nghiệp cho biết việc áp dụng ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp và 57% đã thấy sự cần thiết thay vì coi đây là áp lực cần tuân thủ các quy định của Nhà nước.
Vì vậy, mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam và việc cần làm là tích cực hành động để thúc đẩy các cam kết thực hành ESG trở thành hiện thực, mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp.
ESG giúp thay đổi cách thức định giá doanh nghiệp và gia tăng sức hấp dẫn của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư; giúp các nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, không chỉ dựa vào các chỉ số tài chính truyền thống. Thông qua các chỉ số ESG, các nhà đầu tư có thể lựa chọn các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh bền vững.
Bên cạnh đó, ESG giúp tăng cường uy tín cho doanh nghiệp, tăng thiện cảm của khách hàng, nhân viên và các bên liên quan, bởi người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm, dịch vụ được tạo ra bởi mô hình phát triển bền vững.
Không những thế thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp giảm rủi ro về pháp lý, tài chính, danh tiếng và an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và tiết kiệm tài nguyên, khai thác các cơ hội mới về thị trường, sản phẩm và dịch vụ; đồng thời, đóng góp tích cực cho xã hội và môi trường.
VCCI đã khuyến nghị các doanh nghiệp có thể sử dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VCCI xây dựng, để tiến hành tham chiếu và đánh giá tổng thể khả năng quản trị, kinh tế, xã hội, môi trường, tuân thủ pháp luật và quản trị rủi ro, phát hiện ra các lỗ hổng cần khắc phục hay các tiềm năng để phát triển. Xu thế này cũng là một đòi hỏi tất yếu, đối với doanh nghiệp nào muốn “nâng tầm” vị thế và gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường.
– Một thực tế là ESG đang được đề cập rất nhiều nhưng sự tham gia các doanh nghiệp trong nước khá mờ nhạt. Vậy, lý do vì sao thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Việc triển khai ESG có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức vì sự thiếu nhất quán và chồng chéo của các khung tiêu chuẩn về ESG. Từ đó, khiến cho doanh nghiệp khá lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu hoặc bắt đầu từ yếu tố nào trước.
Tình trạng thiếu hụt nhân sự có kinh nghiệm và chuyên môn về ESG, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược ESG…
Cuối cùng, thực hành ESG cũng đòi hỏi chi phí cao để vận hành các hoạt động liên quan khiến cho doanh nghiệp phải cân nhắc giữa lợi ích dài hạn và áp lực ngắn hạn.
Có thể thấy rằng ESG đòi hỏi sự cam kết dài hạn và khả năng thích nghi với một môi trường kinh doanh ngày càng nhạy cảm đến các vấn đề xã hội và môi trường. Để bước qua những thách thức, rào cản, tôi nghĩ rằng vẫn là câu chuyện nhận thức và xây dựng tầm nhìn chung cho cộng đồng kinh doanh Việt Nam.
– Xây dựng tầm nhìn chung để cộng đồng doanh nghiệp hành động, chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) vừa biên dịch và phát hành Báo cáo “Tầm nhìn 2050: Đã đến lúc chuyển đổi” do Hội đồng Doanh nghiệp vì Sự Phát triển Bền vững Thế giới (WBCSD) chủ trì xây dựng. Theo đó, ghi nhận, thập kỷ 2021-2030 chính là cơ hội cuối cùng để thực hiện những thay đổi mang tính hệ thống.
Vì vậy, doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới cần đưa ra các mục tiêu không phát thải carbon dựa trên giải pháp khoa học, giải pháp thiên nhiên và đầu tư vào các mô hình kinh doanh tuần hoàn quan trọng mới. Từ đó giúp giảm phát thải, giảm biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và sinh kế.
Để thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm hơn, VCCI, với hạt nhân là VBCSD, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc phát triển mạng lưới báo chí về phát triển bền vững; tiếp tục tổ chức các nền tảng đối thoại về phát triển bền vững doanh nghiệp uy tín như Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF).
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành, đối tác liên quan trong việc xây dựng, kiến nghị chính sách về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam.
Cùng đó, thúc đẩy lập và công bố báo cáo bền vững, thực hành ESG, áp dụng Bộ Chỉ số CSI; tập trung tăng cường xây dựng và phát triển thành viên, mạng lưới đối tác có sự tham gia của các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế, chia sẻ thực tiễn tốt về phát triển bền vững qua các nhóm công tác…
– Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quỳnh (thực hiện)