Ngày 10/7, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) đã công bố kết quả chỉ số niềm tin kinh doanh quí 2-2023. Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) được thực hiện hàng quí và được xem là thước đo để đánh giá góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu về thị trường Việt Nam.
Theo Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, và đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu. Sự sụt giảm về xuất khẩu và các đơn hàng đã tác động lớn đến các doanh nghiệp châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) cho thấy rõ viễn cảnh ảm đạm hiện nay. Một trong những vấn đề mà EuroCham kiến nghị trong báo cáo lần này là thiếu điện.
Báo cáo của EuroCham cho thấy, khoảng 60% số người tham gia khảo sát trả lời đã chịu ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt điện đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thiếu hụt điện làm năng suất hoạt động và năng suất lao động giảm, sản xuất và dịch vụ bị gián đoạn. Vì thế, đảm bảo các giải pháp dài hạn để giải quyết vấn đề ổn định nguồn cung cấp điện vẫn là ưu tiên hàng đầu để duy trì hiệu quả kinh doanh và khả năng phục hồi kinh tế tổng thể.
Theo EuroCham, BCI cho thấy một bối cảnh đầy thách thức, số lượt phản hồi bi quan liên quan đến tình hình kinh doanh hiện tại tăng tới 10%. Ngoài vấn đề thiếu điện, doanh nghiệp châu Âu cũng bày tỏ những khó khăn trong vấn đề thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Theo đó, đảm bảo thị thực và giấy phép lao động cho lao động nước ngoài vẫn luôn là một thách thức đối với các doanh nghiệp, với hơn 80% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.
Gần một nửa số công ty được khảo sát gặp khó khăn với quy trình giải trình cho việc thuê lao động nước ngoài. Những trở ngại này ảnh hưởng tới việc chuyển giao kiến thức cho nhân sự Việt Nam và ảnh hưởng đến 3/4 số công ty được khảo sát.
“Với sự thận trọng trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, những người tham gia khảo sát nhấn mạnh cải cách quy định và sự sẵn có của lực lượng lao động lành nghề là động lực tăng trưởng then chốt cho các công ty của họ. Cải cách quy định được xem là yếu tố hàng đầu góp phần vào tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi sự sẵn có của lực lượng lao động lành nghề được ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất”, một đoạn trong thông cáo báo chí của EuroCham cho biết.
Điểm sáng trong khảo sát lần này liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), đó là hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết được hưởng lợi từ EVFTA.
Những phản hồi từ khảo sát nói trên được thu thập từ 1.300 thành viên của EuroCham Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Báo cáo này nhằm cung cấp những đánh giá sâu sắc về bối cảnh kinh doanh hiện tại ở Việt Nam và đưa ra cái nhìn tổng quan về những kỳ vọng trong tương lai của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Decision Lab là đơn vị được EuroCham giao phụ trách thực hiện khảo sát định kỳ này.
Ngọc Hùng