Tiêu chí thu hút đầu tư vào khu công nghiệp xanh, lọc ngành hay giảm phát thải đang được đặt ra khi một số địa phương kỳ thị với các ngành công nghiệp phát thải lớn.
Trên thực tế, điều quan trọng để sản xuất xanh là đưa ra tiêu chí giảm phát thải ròng bằng dây chuyền công nghệ, máy móc hiện đại chứ không phải cứ thấy “không xanh” là gạt bỏ.
Địa phương “ngại” ngành phát thải cao
Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tan Recycling), chia sẻ cách đây nhiều năm một số địa phương khi nghe doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhựa tái chế thì không có chủ trương chào đón. Bởi rác thải nhựa là loại rác khó phân hủy và đang tạo ra áp lực lớn đối với việc xử lý rác thải của các quốc gia trên toàn thế giới.
“Do đó, khi nghe đến ngành này, địa phương e ngại ảnh hưởng môi trường cũng là điều dễ hiểu. Nhưng mấy năm trở lại đây nhờ truyền thông nên ngành nhựa tái chế được hiểu rõ hơn. Không những vậy, doanh nghiệp được Bộ Khoa học – Công nghệ cấp chứng nhận doanh nghiệp tái chế công nghệ cao”, ông Lê Anh cho biết và dẫn chứng công nghệ “bottle to bottle”, nghĩa là mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. Nhà máy của Duy Tân cũng đảm bảo tiêu chí “3 không”: không chất thải, không rác thải, không khí thải. Chính vì vậy, một số địa phương đã không còn khắt khe như trước.
Nhưng không phải ngành nào, doanh nghiệp nào cũng may mắn như Duy Tân. Đến thời điểm hiện nay, một số nơi vẫn còn hạn chế đối với một số ngành như dệt may, da giày… vì lo ngại ảnh hưởng môi trường. Tâm lý này xuất phát bởi ngành dệt may của Việt Nam đang phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) sử dụng rất nhiều tài nguyên nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất sau xử lý. Vì thế, hầu hết các địa phương lo ngại vấn đề nước thải nên không mặn mà, thậm chí tẩy chay các dự án trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, ngành dệt may và da giày là hai ngành có đóng góp rất quan trọng cả về mặt kinh tế và xã hội của đất nước. Đầu tiên là góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn sang công nghiệp thông qua việc giải quyết một lượng lớn việc làm cho xã hội khi tận dụng lợi thế lao động không cần tay nghề cao. Đây cũng là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đứng thứ 2 và thứ 3 thế giới vào năm 2022.
Về quy mô, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có trên 400 khu công nghiệp, trong đó có khoảng 3.000 nhà máy, nhà cung cấp dệt may – da giày, giá trị xuất khẩu chiếm tới 12,52% GDP, doanh thu xuất khẩu 71 tỉ USD (dệt may 44 tỉ USD và da giày 27 tỉ USD), thu hút khoảng 4 triệu nhân công. Rõ ràng, dệt may – da giày đã và vẫn đang là một trong các ngành sản xuất quan trọng, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn cũng như tạo nhiều công ăn việc làm nhất trong các khu công nghiệp ở Việt Nam.
Vì thế, trong Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã ban hành, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày cả nước bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 6,8 – 7%/năm. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày cả nước năm 2025 đạt 77 – 80 tỉ USD và năm 2030 đạt 106 – 108 tỉ USD.
Để đạt mục tiêu trên, một trong những định hướng phát triển được đề cập là xây dựng một số khu công nghiệp tập trung chuyên ngành, tổ hợp chuyên ngành dệt may, da giày (bao gồm chuỗi xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải, thuộc da); ưu tiên dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường. Đối với da giày, thu hút các dự án thuộc da có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện môi trường vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành…
Có thể thấy, trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, ngành dệt may – da giày vẫn chiếm một vị trí quan trọng. Thế nhưng, quy hoạch các địa phương để phát triển các khu công nghiệp và kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dệt nhuộm để giảm thiểu tối đa việc nhập khẩu nguyên liệu không hề đơn giản. Vẫn còn tâm lý kỳ thị, thậm chí tẩy chay các ngành này nói riêng và công nghiệp nặng nói chung.
Lọc ngành thì doanh nghiệp đi về đâu?
Mới đây, UBND một tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường tăng cường giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường.
Theo đó, “Thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều chất thải, nhất là nước thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xả thải trực tiếp ra hệ thống sông. Sở Kế hoạch – Đầu tư phối hợp Sở Tài nguyên – Môi trường, các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố trong quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, báo cáo UBND tỉnh xem xét kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, phát sinh nguồn thải lớn, chất thải chứa nhiều nguyên tố nguy hại cho môi trường, khó xử lý…”. Chỉ đạo này một lần nữa dấy lên câu hỏi: Sản xuất xanh, tăng trưởng xanh là lọc ngành hay giảm phát thải?
Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) Hứa Quốc Hưng đặt vấn đề: Nếu xét theo tiêu chí lọc ngành thì tất cả ngành nghề sản xuất ra các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, từ quần áo, giày dép cho đến các trạm trộn bê tông, vật liệu xây dựng, hóa chất… sẽ được đặt ở đâu? Rõ ràng, những ngành nghề có phát thải cao thì càng không thể đặt ở khu vực dân cư. Do đó, các khu công nghiệp – khu chế xuất là những địa điểm cho các dự án từ công nghiệp nặng đến nhẹ. Vì vậy, nếu xét theo lọc ngành thì những doanh nghiệp trên sẽ đi về đâu.
“Theo tôi, không phải lọc ngành mà là lọc công nghệ, giảm phát thải, tăng hiệu quả đầu tư thì mới phù hợp với xu thế đầu tư. Nhà đầu tư phải thay đổi công nghệ, dây chuyền máy móc phù hợp với xu hướng. Không nên đặt vấn đề chọn ngành gì, ngành thâm dụng lao động hay ô nhiễm môi trường. Vì công nghệ và thị trường sẽ điều tiết và điều chỉnh từng lĩnh vực mà nhà đầu tư muốn vào”, ông Hứa Quốc Hưng cho hay.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng cả 2 tiêu chí lọc ngành hay giảm phát thải trong thu hút đầu tư đều cần được xem xét, tuy nhiên ưu tiên giảm phát thải lên hàng đầu. Tùy mỗi địa phương, khu công nghiệp sẽ có những tiêu chí xác định để thu hút đầu tư khác nhau. Cũng như khu công nghệ cao thu hút những ngành công nghệ, còn đối với những khu công nghiệp nói chung thì dự án đó phải đảm bảo ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại để có thể giảm phát thải trong mức cho phép. Ngày nay, chúng ta đề cập nhiều đến vấn đề tăng trưởng xanh, trong đó có khu công nghiệp xanh.
Do vậy, theo ông Nguyễn Hữu Huân, tiêu chí xử lý chất thải theo tiêu chuẩn được đặt lên hàng đầu khi xét chọn đầu tư. Những doanh nghiệp như dệt may khi đáp ứng được các tiêu chí này hoàn toàn có thể được cấp phép đầu tư, thay vì tâm lý e ngại phát thải. Hơn nữa, bản thân các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu đều ý thức được muốn đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, có đơn hàng xuất khẩu thì cần đáp ứng các điều kiện mà thị trường nhập hàng yêu cầu. Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may vào châu Âu phải đảm bảo dán nhãn carbon. Hay ngành thép gây ra ô nhiễm rất lớn nhưng họ đầu tư công nghệ để xử lý. Tập đoàn Hòa Phát xây dựng hệ thống lò đáp ứng được giảm phát thải theo tiêu chuẩn châu Âu để có thể xuất khẩu sang châu Âu.
Có hiện tượng doanh nghiệp “tẩy xanh”
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân phân tích: Sở dĩ các địa phương e ngại cấp phép đối với những dự án phát thải lớn đến từ thực tế hiện tượng doanh nghiệp cố gắng “chạy” các giấy phép để đạt tiêu chuẩn. Nhưng sau khi được giấy phép rồi thì doanh nghiệp lại “lén” thải nước bẩn ra môi trường, không đáp ứng được các tiêu chí đã đặt ra trước đó. Từ đó mới phát sinh tâm lý chọn ngành.
Hiện tượng doanh nghiệp “tẩy xanh” (doanh nghiệp vẫn xả thải nhưng vẫn có những chứng chỉ quốc tế, có chứng chỉ ESG) để xuất khẩu cũng như tạo dựng hình ảnh thương hiệu đẹp, khách hàng có thiện cảm mua hàng nhiều hơn là có thật. Hiện tượng này không chỉ có ở Việt Nam mà cũng xảy ra nhiều nước trên thế giới. Để tránh hiện tượng này, những doanh nghiệp đạt các chứng chỉ về môi trường phải được kiểm tra khá chặt chẽ sau đó. Doanh nghiệp nào vi phạm thì rút giấy phép và có chế tài nặng đối với việc “tẩy xanh”. Như vậy, tính tuân thủ của doanh nghiệp cũng tăng lên, các địa phương cũng mạnh dạn cấp phép đầu tư.
“Trong tăng trưởng kinh tế, có những ngành nghề mũi nhọn như dệt may, da giày, thép… Đây lại là những ngành có ô nhiễm cao. Tuy nhiên, không thể dựa vào tâm lý e ngại mà không cấp phép, thay vì vậy cần xét đến tiêu chí doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại, đáp ứng giảm phát thải, đặc biệt giảm phát thải theo tiêu chuẩn châu Âu thì cần khuyến khích. Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 nên đòi hỏi các khu công nghiệp xanh hóa. Bên cạnh tiêu chuẩn thì cam kết thực hiện, các khu công nghiệp cũng nên có bộ phận giám sát môi trường để thực hiện tính tuân thủ từ doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Huân phân tích.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, khẳng định phát triển kinh tế xanh là phương thức quan trọng, hướng đi đúng đắn để tạo lập tốc độ tăng trưởng cao và sự bền vững cho nền kinh tế Việt Nam. Nước ta đang chuyển dịch mạnh mẽ, thay đổi cấu trúc phát triển, thay đổi cơ cấu ngành từ phát thải cao chuyển sang phát thải thấp, từ công nghệ cũ chuyển sang công nghệ cao, thậm chí không có phát thải. Đây là cơ hội có một không hai để Việt Nam bắt nhịp ngay với những công nghệ hàng đầu toàn cầu.
Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Lọc ngành phải hiểu theo nghĩa rộng, không phải bỏ ngay lập tức mà phải có lộ trình, tính toán thu hẹp như thế nào. Chính sách cấu trúc ngành phải tạo ra được hệ thống, có lộ trình để giảm dần những cú sốc cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, cũng như đảm bảo việc làm của người lao động. Về mặt thể chế, tiêu chuẩn, tiêu chí là quan trọng hàng đầu. Phải có hệ thống quy chuẩn, tiêu chí thì tăng trưởng xanh mới vận hành được.
“Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là con đường phải đi. Đã xác định như vậy thì tư duy về chính sách phải theo kịp, không thể băn khoăn mãi. Con đường đã chọn xong mà chính sách cứ băn khoăn thì không thể thành công,” PGS-TS Trần Đình Thiên
Đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 575 khu công nghiệp
Thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), tính đến hết tháng 7.2024, cả nước có 431 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha, trong đó có 301 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.
Những năm gần đây, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 – 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 – 80% tổng vốn đăng ký cả nước. Khu công nghiệp và khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước; đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Theo định hướng quy hoạch quốc gia, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 575 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,93 nghìn ha (tăng gần gấp 2 lần so với hiện nay). Mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia là phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng; phát triển các khu công nghiệp sinh thái và giảm dần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Thanh Xuân