Quảng Nam chờ hành lang pháp lý
Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng của Quảng Nam có thời gian thực hiện từ năm 2021-2025. Tuy nhiên, dù sở hữu rất nhiều tiềm năng, đề án vẫn chưa đi vào thực tế.
Vướng từ quy định đấu thầu
Lâm nghiệp được xác định là lĩnh vực hấp thụ các bon chủ yếu, giúp cân bằng phát thải ròng của Việt Nam nhằm đạt các mục tiêu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Có 2 thị trường carbon chính là bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, bắt buộc là thị trường mà việc mua bán các bon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Còn tự nguyện lại dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương/đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.
Trong khi các tỉnh, các khu vực tham gia thị trường bắt buộc thì đề án thí điểm mà Quảng Nam đang thực hiện lại là thị trường tự nguyện. Đáng nói, Quảng Nam lại thiếu kinh nghiệm, chưa đảm bảo nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để kinh doanh các bon. Đồng thời khung pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh này vẫn chưa có. Do đó, hơn 11,2 triệu tấn khí các bon dự kiến hấp thụ được trong giai đoạn 2018 – 2030 vẫn còn nằm ở rừng, dù con số này hoàn toàn đáp ứng các nhu cầu, điều kiện để bán tín chỉ các bon rừng ra thị trường thế giới.
Đánh giá của Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tính hết năm 2023, giá các bon lâm nghiệp năm 2023 trên thị trường tự nguyện quốc tế đối với các loại dự án chính đều tăng so với trước đó, cao nhất là dự án quản lý rừng cải tiến (IFM) với 16,21 USD/tấn CO2 tương đương (tCO2tđ); tiếp đến là dự án trồng rừng mới/tái trồng rừng/tái sinh thực vật tự nhiên với 15,74 USD/tCO2tđ.
Riêng về Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng, đã có 5 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép tín chỉ các bon rừng của Quảng Nam. Song, đến nay chỉ mới dừng lại ở việc nghiên cứu, lập và đánh giá hồ sơ dự án.
Theo ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vướng mắc lớn nhất vẫn là cơ quan tư vấn công nhận tín chỉ các bon hợp lệ trên thị trường quốc tế không chấp nhận việc phải tham gia đấu thầu; trong khi đấu thầu, lựa chọn nhà thầu hay nhà đầu tư ở Việt Nam phải thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.
Để tìm hướng đi mới, Quảng Nam đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất bổ sung tỉnh Quảng Nam vào Chương trình giảm phát thải từ REDD+ theo tiêu chuẩn TREES vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên do Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp – LEAF thực hiện để bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững.
Những bước chạy đà quan trọng
Ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam có tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 680.806ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 463.530ha, rừng trồng 217.276ha; độ che phủ rừng đạt 58,7%.
Rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực, chống xói mòn đất, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng thích ứng cho các cộng đồng.
Ông Mai Văn Dưỡng – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Nông Sơn cho biết, Khu bảo tồn quản lý lâm phận trên diện tích gần 19.000ha, thuộc xã Phước Ninh và Quế Lâm. Ngoài ra, vùng đệm khu bảo tồn rộng 25.000ha, thuộc 9 xã của 5 huyện gồm Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Giang, Phước Sơn và Hiệp Đức.
Cùng với nguồn tài chính từ chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm, nếu Quảng Nam bán thành công tín chỉ các bon sẽ có thêm nguồn lực nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng, đa dạng sinh kế cho người dân, hướng tới chiến lược phát triển bền vững. Để sẵn sàng cho thị trường này, khu bảo tồn đang tích cực triển khai tốt các nhiệm vụ bảo vệ rừng, phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Bước tiến quan trọng để Quảng Nam có thể gỡ khó trong việc thực hiện đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Công Thương, GTVT, Xây dựng, NN&PTNT, TN-MT khẩn trương ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo quy định và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục tiêu cam kết theo NDC, hoàn thành trong quý III năm 2024; đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia thị trường các bon của một số lĩnh vực. Đồng thời yêu cầu các địa phương đánh giá hiện trạng các hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn để đánh giá tiềm năng tạo tín chỉ các bon, trao đổi tín chỉ các bon.
Để hiện thực hóa chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Nam đang nỗ lực hoàn thiện về hồ sơ liên quan đến đề án thí điểm. Cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư phục hồi rừng, tạo nguồn tài chính bền vững để triển khai các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, chi trực tiếp cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, hỗ trợ sinh kế cho người dân miền núi. Từ đây, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng, quản lý rừng bền vững và tăng trưởng xanh được quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Theo lộ trình của Chính phủ, thị trường các bon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Hiện Việt Nam có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon… trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường các bon thế giới. Việt Nam là 1 trong 4 nước có dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ. (L.Q)
Ngân hàng thế giới (WB) đã chi 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) để mua 10,3 triệu tín chỉ các bon rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trong giai đoạn 2018 – 2024. Theo Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên Môi trường, một phần khoản tiền này sẽ quay lại hỗ trợ các địa phương Bắc Trung Bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế cho người dân giữ rừng. Đây cũng là khoản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính. WB cũng yêu cầu Việt Nam phải cam kết bảo vệ, phát triển rừng, cũng như lượng hấp thụ các bon khu vực rừng mà WB đã mua thì Việt Nam không được bán cho đối tác khác. (X.H)
Chìa khóa mở cửa vào Net Zero
Trong khi chờ đợi Trung ương ban hành cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung pháp lý, Quảng Nam tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ, phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời tham vấn, học tập kinh nghiệm từ các chuyên gia, các địa phương đang thực hiện dự án mua bán giảm phát thải trong nước. Báo Quảng Nam ghi nhận một số ý kiến về giải pháp cho vấn đề này.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng – bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình): Tín chỉ các bon thúc đẩy quản lý rừng bền vững, tạo thêm sinh kế cho người dân
Quảng Bình hiện có 590.038ha rừng; trong đó có 469.317ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng 68,7%. Xác định tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ các bon rừng, Quảng Bình sớm đề xuất với Bộ NN&PTNT tham gia Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác các bon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ.
Từ sự hỗ trợ của dự án này, Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các bon của rừng, quản lý rừng bền vững và nâng cao trữ lượng các bon của rừng (REDD+)” tỉnh Quảng Bình (PRAP); xây dựng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để quản lý nguồn thu từ REDD+; tăng cường thực thi pháp luật trong bảo vệ rừng. Đồng thời hoàn thiện cơ chế chia sẻ lợi ích cho các bên liên quan khi thu được kinh phí từ bán tín chỉ các bon; xây dựng thủ tục pháp lý về mua bán tín chỉ các bon và chuyển quyền các bon.
Đặc biệt, Quảng Bình hoàn thành xây dựng đường phát thải tham chiếu rừng/đường tham chiếu rừng (REL/RL) vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2005 – 2015. Đây là cơ sở quan trọng để tính toán, đánh giá mức phát thải, hấp thụ khí nhà kính của các tỉnh tham gia Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 – 2025.
Năm 2020, Bộ NN&PTNT và WB – cơ quan nhận ủy thác của FCPF ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), với giá chi trả các bon rừng thí điểm là 5 USD/ tấn. Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn các bon giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2025. FCPF sẽ chi trả cho thỏa thuận này là 51,5 triệu USD.
Để nhận được tín chỉ các bon từ Chương trình thí điểm thực hiện REDD+, các địa phương phải giảm phát thải và tăng hấp thụ so với mức tham chiếu. Số tiền được nhận dựa vào thực tế mức hấp thụ các bon rừng tăng thêm so với thời điểm tham chiếu. Và Quảng Bình là tỉnh có trữ lượng các bon rừng cao nhất trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, ước tính hơn 4,5 triệu tấn (theo Thông báo số 5028 ngày 16/7/2024 của Bộ NN&PTNT).
Việc ký kết này đã mở cửa cho các hình thức tài chính các bon khác trong tương lai, hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy quản lý rừng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính bằng rừng, tạo thêm sinh kế cho người dân.
Ông Vũ Tấn Phương – Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững: Nhiều thách thức trong phát triển tín chỉ các bon
Hiện nay, khung pháp lý vĩ mô của Việt Nam quy định các định hướng lớn để đạt được mục tiêu GPT, áp dụng hạn ngạch phát thải với các cơ sở phát thải lớn, trong khi đó thị trường các bon trong nước đang trong quá trình xây dựng; các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang trong quá trình thực hiện GPT theo quy định, tạo ra các cơ hội đầu tư trong lâm nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức bởi khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, quyền các bon, cũng như chia sẻ lợi ích; cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương; quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ các bon hiện nay. Đặc biệt, những hạn chế về năng lực kỹ thuật trong xây dựng, thực hiện dự án các bon rừng, bao gồm xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải khí nhà kính; hạn chế về dữ liệu, minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu sử dụng trong đo đạc, báo cáo phát thải; thông tin về đầu tư, kết nối doanh nghiệp.
Ngoài ra, chi phí trong xây dựng, thực hiện dự án và thương mại tín chỉ các bon tăng, từ xây dựng dự án, báo cáo, giám sát phát thải cho đến thẩm định, giao dịch tín chỉ các bon… khiến quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ những khó khăn, trở ngại đó, theo tôi cần có chiến lược, kế hoạch về phát triển lâm nghiệp gắn với tạo tín chỉ các bon rừng, bao gồm cả về tiềm năng, vùng ưu tiên, khách hàng, cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư; đảm bảo năng lực kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện.
Bà Nghiêm Phương Thúy – Chuyên viên vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT): Đẩy mạnh thị trường các bon để phát huy tối đa tiềm năng của rừng Việt Nam
Tại Việt Nam, các dự án REDD+ hiện ở giai đoạn chi trả dựa trên kết quả có thể đo đếm, báo cáo và kiểm tra. Đó cũng là nền tảng cho Thỏa thuận chi trả/mua bán giảm phát thải (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ với giá trị chuyển nhượng 51,5 triệu USD vừa qua.
Với tiềm năng lớn về các bon rừng, nhiều địa phương và khu vực tư nhân cũng đang nghiên cứu, đề xuất các dự án thí điểm khác trong lĩnh vực lâm nghiệp, tiêu biểu như Quảng Nam. Dự kiến trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chuyển nhượng giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022 – 2026 (LEAF/Emergent) với trữ lượng 5,15 triệu tấn CO2. Mức giá tối thiểu là 10 USD/tấn CO2.
LEAF là liên minh giảm phát thải, đang tập hợp nhiều chính phủ tài trợ và các doanh nghiệp tham gia; còn Emergent là tổ chức điều phối của LEAF. Hiện nay LEAF có 4 phương thức giao dịch, song chuyên gia quốc tế phân tích, Việt Nam nên chọn phương thức chính phủ tài trợ đóng góp và doanh nghiệp mua (nhận chuyển quyền các bon) với 100% tín chỉ được tính vào đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đơn giá ước tính 10 USD.
Dự kiến 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sẽ tham gia dự án này, gồm: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Diện tích ước tính 4,26 triệu hecta rừng, trong đó 3,24 triệu hecta rừng tự nhiên và 1,02 triệu hecta rừng trồng. Dự kiến thực hiện giai đoạn 2021-2025 với kết quả khoảng 8 triệu tín chỉ.
Vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách nhà nước chưa ban hành kịp thời, gỡ khó cho các địa phương trong việc kinh doanh tín chỉ các bon; chậm khởi động thị trường trong nước; nguồn lực đầu tư thấp, năng lực của các bên liên quan còn yếu…
Để tham gia giao dịch các bon, Cục Lâm nghiệp khuyến cáo các địa phương, khu vực khảo sát nhu cầu người mua, tiêu chuẩn các bon lựa chọn, xây dựng phương án chia sẻ lợi ích cụ thể, lựa chọn đơn vị tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật có năng lực; quản lý và sử dụng tốt tài chính. Đồng thời huy động sự hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác quốc tế để xây dựng đề án, hợp đồng đàm phán và triển khai.
Ông Dương Duy Khánh – Giám đốc dự án phục hồi rừng và phát triển sinh kế Quảng Nam (WWF Việt Nam): Phục hồi rừng và phát triển sinh kế gắn với tín chỉ các bon ở Quảng Nam
WWF đã làm việc tại Việt Nam nói chung và Trung Trường Sơn đến nay đã được 30 năm, tập trung hoạt động tại 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Đối với Quảng Nam, WWF tập trung rất nhiều dự án về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng và phục hồi rừng. Từ năm 2021, để đồng hành với Quảng Nam cũng như Chính phủ Việt Nam trong việc đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, chúng tôi phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Nam xây dựng dự án phục hồi rừng gắn với phát triển kinh kế tại huyện Tây Giang với mục đóng góp giảm phát thải đến hết năm 2041 khoảng 2,4 triệu tấn các bon.
Hiện nay, đề án kinh doanh tín chỉ các bon của Quảng Nam gặp phải những vướng mắc chưa thể hoàn thiện và triển khai. Đây không chỉ là khó khăn riêng của tỉnh Quảng Nam, mà ngay cả những địa phương có rừng muốn triển khai kinh doanh tín chỉ các bon, bởi khung pháp lý của Việt Nam về hoạt động này còn chưa hoàn thiện.
Chúng tôi đang nỗ lực hỗ trợ cho Quảng Nam, cũng như các bộ ngành Trung ương trong việc hoàn thiện dần khung pháp lý liên quan đến kinh doanh tín chỉ các bon, giúp các địa phương dễ dàng áp dụng. Trong tương lai, không chỉ đóng góp cho quốc gia tự quyết định (NDC), mà có thể tham gia vào thị trường tín chỉ các bon trên thế giới.
Những vướng mắc về khung pháp lý trong việc lập hồ sơ hướng dẫn để đăng ký tham gia tín chỉ các bon vào thị trường tự nguyện chưa rõ ràng. Quảng Nam là tỉnh đi đầu trong việc thí điểm, tuy nhiên do vướng mắc nhiều luật, nhất là Luật Đấu thầu khiến quá trình đấu thầu với các nhà đầu tư quốc tế về kinh doanh tín chỉ các bon gặp rất nhiều khó khăn.
Việt Nam chưa có quy định nào cho nhà đầu tư thực hiện đầu tư trước, sau đó thu hồi lại bằng việc bán tín chỉ các bon, cũng như chưa có cơ chế nào về phương pháp quy định việc thu hồi vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp nước ngoài. Đối với tổ chức WWF, chúng tôi đầu tư không thu hồi lại nên dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ về kinh doanh tín chỉ các bon. Tuy nhiên, lại phụ thuộc rất nhiều vào pháp luật cũng như khung pháp lý của Chính phủ Việt Nam.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mong Trung ương sớm gỡ khó đề án kinh doanh tín chỉ các bon Quảng Nam
Chính phủ đã đồng ý để Quảng Nam thí điểm đề án kinh doanh tín chỉ các bon rừng. Tuy nhiên hiện nay, đề án vướng về khung pháp lý, như quy định đấu thầu, quyền sở hữu, quyền kinh doanh tín chỉ các bon.
Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh Quảng Nam thực hiện đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ REDD+ trong trường hợp hồ sơ tín chỉ các bon rừng được hoàn thiện đảm bảo theo tiêu chuẩn VCS, CCB phiên bản mới nhất, được Tổ chức VERA thẩm định và phê duyệt. Quảng Nam kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (VFBC) hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ theo quy định; trường hợp Chính phủ thống nhất cho phép kinh doanh hoặc quy định của pháp luật cho phép kinh doanh thì mới thực hiện bán tín chỉ các bon rừng.
Đồng thời kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm tham mưu ban hành các khung pháp lý liên quan đến việc kinh doanh tín chỉ các bon rừng như: quyền sở hữu, quyền kinh doanh tín chỉ các bon; hồ sơ tín chỉ các bon xây dựng theo bộ tiêu chuẩn nào và trình cơ quan nào phê duyệt.
Sớm ban hành khu xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ các bon từ rừng đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC để làm cơ sở cho các hoạt động trao đổi tín chỉ các bon rừng với các đối tác quốc tế của các địa phương trong đó có đề án của Quảng Nam. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Nam tham gia các dự án kinh doanh tín chỉ các bon vùng do Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện.
Chúng tôi mong muốn các tổ chức nước ngoài tham gia vào thị trường này giúp cho Quảng Nam có hướng đi phù hợp để bán tín chỉ các bon, thu lại kinh phí phục vụ cho việc phát triển rừng. Hiện nay, vẫn trong chế độ chờ, chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc hoàn thiện hồ sơ bán tín chỉ các bon này. Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm bảo vệ rừng, giữ vững đang dạng sinh học và môi trường, bởi suy cho cùng đó mới là mục tiêu lớn, tạo sự bền vững cho chiến lược lâu dài…
Hồ Quân – ALăng Ngước