1. Điều chỉnh hành vi hàng ngày của mỗi người:
Tiết kiệm năng lượng có thể đơn giản như tắt đèn và các thiết bị không được sử dụng. Tiêu biểu như Giờ Trái đất với biểu tượng 60+ (tắt đèn trong 1 giờ, 60 phút và hơn thế nữa), diễn ra vào tháng 3 hàng năm để nhắc nhở mọi người, cộng đồng, doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Để tiết kiệm, chúng ta giảm nhiệt độ trong gia đình vào mùa đông (20 độ C trở xuống) và tăng lên vào mùa hè (trên 26 độ C).
2. Thay bóng đèn:
Bóng đèn sợi đốt tiêu thụ nhiều điện hơn và phải được thay thế thường xuyên hơn nên thay bằng các loại bóng tiết kiệm điện. Ví dụ như đèn LED, nó sử dụng điện năng ít hơn từ 25% đến 80% và tuổi thọ cao gấp 3 đến 25 lần so với bóng đèn sợi đốt và compact (huỳnh quang).
Hiện nay, bóng đèn compact và huỳnh quang đã gần như hết chỗ đứng và các nhà sản xuất đang loại bỏ dây chuyền sản xuất đèn compact và đèn huỳnh quang. Những chiếc đèn LED mới có thể lắp vừa với máng đèn huynh quang.
3. Hạn chế “tải ảo”:
“Tải ảo” hay “tải ma” (Phantom loads) hoặc điện được sử dụng bởi các thiết bị điện tử khi tắt, hoặc ở chế độ chờ góp phần gây lãng phí năng lượng. Nhiều thiết bị và đồ điện tử có thể làm tăng thêm tới $200 chi phí năng lượng mỗi năm.
Cách xác định tải trọng ảo: Mặc dù không có ‘ba-rem’ để đo mức tiêu thụ điện của thiết bị, nhưng có một số dấu hiệu nhận biết tải trọng ma như dưới đây:
– Thiết bị có điều khiển từ xa, hoặc nó có thể được bật từ xa thông qua mạng cục bộ, hoặc các phương tiện khác.
– Có đèn, màn hình, hoặc các chỉ số khác vẫn bật khi thiết bị tắt.
– Là thiết bị có thể lập trình và/hoặc giữ lại cài đặt, không có sự trợ giúp của pin, giữa các công dụng.
– Thiết bị có chức năng hẹn giờ để tự động hóa một số quy trình (làm cà phê, bật đèn…).
Để hạn chế tải ảo, giới chuyên gia khuyên chúng ta nên sử dụng ổ cắm điện để tắt phích cắm và loại bỏ phụ tải này. Cụ thể:
– Rút phích cắm hay tắt aptomat các hạng mục không được sử dụng.
– Cắm các thiết bị điện tử nhạy cảm như máy tính, TV hoặc đầu thu TV vào một ổ cắm chống sốc điện rồi tắt toàn bộ khi không sử dụng (đảm bảo giữ hộp giải mã tín hiệu mạng và wifi của bạn trên một mạch riêng để tránh mất kết nối).
– Khi thay thế thiết bị điện tử trong nhà, hãy chọn các mặt hàng đủ tiêu chuẩn có dán nhãn tiết kiệm điện thường sử dụng ít năng lượng hơn ở chế độ chờ.
4. Cài đặt bộ điều nhiệt thông minh:
Bộ điều nhiệt thông minh (smart thermostat) có thể được thiết lập để tự động tắt, hoặc giảm hệ thống sưởi và làm mát trong thời gian ngủ hoặc đi vắng. Trung bình, một bộ điều nhiệt thông minh có thể giúp tiết kiệm $180 mỗi năm. Nhiều hãng cung ứng giảm giá cho khách khi mua và lắp đặt bộ điều nhiệt thông minh được các cơ quan chức năng chứng nhận, cấp phép.
Ngày nay, có rất nhiều cách để chúng ta điều chỉnh nhiệt độ trong một căn phòng thông qua điện thoại thông minh, hoặc điều khiển nhiệt độ truyền thống. Thực chất, việc điều chỉnh đó chính là cách mà bạn đang tương tác với thiết bị thermostat (hay bộ điều chỉnh nhiệt) để nó thay đổi nhiệt độ tới mức mong muốn. Nếu nhiệt độ trong nhà bắt đầu tăng, thermostat sẽ bắt đầu bật hệ thống điều hòa để làm mát. Sau khi nhiệt độ bên trong đạt tới điểm mà bạn cài đặt trước đó, bộ điều nhiệt lại hoạt động để tắt hệ thống điều hòa.
5. Sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng:
Theo Khoản 11, Điều 3, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010, “Sản phẩm tiết kiệm năng lượng” được hiểu như sau: Là phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, vật liệu có tính cách nhiệt tốt phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, áp dụng từ ngày 1/1/2013. Đây là danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và trình độ khoa học và công nghệ của đất nước.
Các thiết bị rất đa dạng như quạt điện, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy biến áp phân phối, thiết bị chiếu sáng công cộng, thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, máy thu hình, màn hình máy tính, máy in, máy photocopy. Danh mục trên phải chọn các loại được dán nhãn năng lượng như: Nhãn xác nhận (Nhãn Ngôi sao năng lượng) hoặc Nhãn so sánh đạt cấp hiệu suất năng lượng 5 sao.
6. Giảm đun nước nóng:
Hệ thống sưởi ấm bằng nước, hay bình đun nước nóng là các thiết bị góp phần chính vào tổng mức tiêu thụ năng lượng của gia đình. Tiết kiệm bằng cách sử dụng ít nước nóng hơn, giảm nhiệt độ của máy nước nóng hoặc cách nhiệt máy nước, bảo ôn hệ thống sưởi ấm nước nóng của gia đình để giảm tổn thất năng lượng, giảm hóa đơn năng lượng.
7. Lắp đặt cửa sổ tiết kiệm năng lượng:
Cửa sổ không hiệu quả có thể làm tăng thêm 10% đến 25% chi phí sưởi ấm và làm mát của gia đình. Nếu các cửa sổ mới không phải là một lựa chọn, giải pháp chi phí thấp hơn là thêm màng phim cách nhiệt cho các cửa sổ hướng Tây và Nam. Nhiều hãng cung ứng giảm giá khi mua và lắp đặt các cửa sổ tiết kiệm năng lượng.
Hầu hết các tòa nhà thương mại hay các hộ gia đình xây dựng trong thời hiện đại này đều có cửa sổ và cửa ra vào lắp kính 2 – 3 lớp, khung cửa sổ từ các chất liệu có tính chống ẩm, cách âm tốt giúp giảm chi phí năng lượng.
Cửa sổ tiết kiệm năng lượng được thiết kế nhằm mục đích tiết kiệm điện cho ngôi nhà thông qua khả năng hạn chế thất thoát nhiệt trong phòng, đồng thời ngăn hấp thụ nhiệt từ bên ngoài. Bẫy không khí giữa các lớp kính sẽ giúp chúng và ngôi nhà của bạn không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn giảm tiếng ồn. Tiếng ồn xung quanh từ đường xá, đường tàu, máy bay, hoặc chỉ là tiếng ồn của hàng xóm cũng có thể làm phiền sự riêng tư và môi trường gia đình của chúng ta.
8. Nâng cấp lên máy bơm nhiệt tiết kiệm năng lượng:
Thay thế hệ thống sưởi ấm, làm mát của gia đình bằng một máy bơm nhiệt hiệu quả cao và tiết kiệm khoảng 40% hàng năm cho chi phí sưởi ấm, làm mát.
Máy bơm nhiệt (Heat Pump) có nguyên lý cấu tạo giống như máy lạnh, chỉ khác ở chỗ phần lớn nhiệt hữu ích được lấy từ bên ngoài. Vì thế mà sử dụng bơm nhiệt không chỉ giảm chi phí năng lượng từ điện, hoặc gas để sản xuất nước nóng mà còn giúp giảm nguy cơ nóng lên của trái đất. Chính vì ưu điểm nêu trên, máy bơm nhiệt thường được dùng nhằm cung cấp nước nóng phục vụ cho quá trình sản xuất của các ngành chế biến thực phẩm, sản xuất bia, rượu, nước giải khát, xưởng giặt, bệnh viện, cung cấp nước nóng trong khách sạn, nhà hàng, spa, hộ gia đình.
Áp dụng công nghệ bơm nhiệt sẽ góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí khổng lồ trên, qua đó giúp giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ngoài ra, máy còn nhiều tính năng ưu việt khác như kích thước nhỏ gọn, trọng lượng hợp lý, hiệu suất cao…
9. Thích nghi với thời tiết, cách nhiệt đầy đủ cho ngôi nhà:
Thích nghi với thời tiết hóa (Weatherize), hoặc chống chịu thời tiết là hoạt động bảo vệ một tòa nhà và nội thất của nó khỏi các yếu tố, đặc biệt là khỏi ánh sáng mặt trời, lượng mưa, gió và sửa đổi tòa nhà để giảm tiêu thụ năng lượng, cũng như tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng.
Cụ thể hơn là bịt kín các lỗ rò rỉ không khí xung quanh nhà của bạn, là một cách tuyệt vời để giảm chi phí sưởi ấm và làm mát của gia đình. Bịt kín ống dẫn, cách nhiệt trần nhà và thiết bị tỏa nhiệt. Ngoài ra, có thể tiết kiệm khoảng 15% cho chi phí sưởi ấm và làm mát hàng năm cho ngôi nhà nếu cách nhiệt thích hợp.
Với thời tiết nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, khi xây dựng cần lưu ý đến việc giảm nhiệt lượng cho ngôi nhà. Một trong những phương pháp tối ưu nhất là lắp đặt vật liệu chống nóng, phản quang. Cần lựa chọn những vật liệu phù hợp để đạt được hiệu quả tốt hơn. Vật liệu cách nhiệt tốt đồng nghĩa giúp hạn chế nhiệt lượng từ bên ngoài tác động lên ngôi nhà. Bên cạnh đó, làm không khí được điều hòa tốt hơn, giảm sự ngột ngạt, nóng. Đồng thời, còn làm hạn chế cầu sử dụng các thiết bị làm mát (quạt, máy lạnh…) từ đó, giúp tiết kiệm điện năng./.
Khắc Nam – Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam
(Theo TEC/ECU – 6/2023)