Thực tế hiện nay hành lang pháp lý cho mua bán tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam, đặc biệt là rừng ngập mặn vẫn chưa hoàn thiện. Vậy sẽ phải thực hiện những bước đi nào để biến “lá phổi xanh” Cần Giờ thành “mỏ vàng bền vững” từ việc giao dịch tín chỉ carbon?
Trồng rừng gắn với tín chỉ carbon
Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM có rừng ngập mặn. Đây chính là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận từ năm 2000. Đến nay rừng ngập mặn này đã đảm nhiệm hiệu quả khả năng làm sạch và tái tạo môi trường, cân bằng hệ sinh thái cho một thành phố năng động, phát triển như TP.HCM, nhất là trong bối cảnh cả nước đang hướng tới Net Zero.
Ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Trưởng phòng Quản lý phát triển tài nguyên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết: đơn vị quản lý, bảo vệ, chăm sóc toàn diện trên 34.000 ha rừng và thực hiện chương trình trồng rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng.
Rừng ngập mặn Cần Giờ đang có 35 loài cây ngập mặn. Từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã gieo ươm gần 500.000 cây, trong đó có 5.000 cây cóc đỏ – có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Ngoài việc duy trì nguồn giống, nguồn gene, đơn vị cũng chuẩn bị trồng rừng phục hồi đối với loại cây quý hiếm này và trồng thêm các loài cây khác như cây sú vẹt, đước, cóc trắng… nhằm nâng cao tính đa dạng sinh học.
Đến hết năm 2024, Cần Giờ sẽ tổ chức trồng mới trên 180 ha rừng và chăm sóc xúc tiến tái sinh tự nhiên 200 ha. Ngoài ra, tiếp tục chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2016-2020 với diện tích 150 ha trên toàn bộ diện tích rừng.
Ông Kiệt cho rằng, với tiềm năng lớn về tín chỉ carbon, công tác bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn được lãnh đạo TP.HCM và huyện Cần Giờ đặc biệt quan tâm, nhất là công tác trồng mới rừng đang được triển khai mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, gắn với chứng chỉ carbon bền vững.
“Hàng năm TP.HCM sẽ công bố hiện trạng rừng trên địa bàn. Với công bố này diện tích rừng cho thấy luôn tăng thêm. Đó là khi diện tích rừng trồng mà chúng tôi trồng đủ điều kiện mới đưa vào. Tuy nhiên rừng được trồng trong năm nay, chúng tôi chưa cập nhật số liệu, bởi rừng mới trồng chưa đảm bảo những tiêu chí về mặt sinh trưởng. Không phải vài ngày là có rừng, cần thời gian 5-6 năm có khi đến cả 10 năm diện tích rừng đó mới đạt theo tiêu chuẩn quy định”, ông Kiệt chia sẻ.
Làm thế nào và bán cho ai?
Hiện tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là trên 75.000 ha, trong đó vùng lõi trên 4.700 ha, vùng đệm trên 41.000 ha và vùng chuyển tiếp gần 30.000 ha. Nhiều chuyên gia nhận định, rừng Cần Giờ được xem là “bể carbon xanh”, giá trị tín chỉ carbon được tính cao hơn 1,5 đến 1,8 lần so với tín chỉ ở các loại rừng khác. Cần Giờ là nơi hấp thụ carbon và giảm lượng phát thải khí nhà kính duy nhất của TP.HCM. Ước tính lượng lưu trữ carbon hấp thụ trên mặt đất tại rừng Cần Giờ khoảng từ 3 – 3,5 lần.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Vi Ngọc Nam, Khoa Lâm nghiệp – Đại học nông lâm TP.HCM nhìn nhận, rõ ràng rừng ngập mặn Cần Giờ được đánh giá rất tiềm năng. Theo ước tính sơ bộ, nếu bán tín chỉ carbon (carbon credit), rừng Cần Giờ có thể thu khoảng 70 triệu USD, tương đương hơn 1.500 tỷ đồng, mỗi năm.
Tất nhiên, đó là nói về tiềm năng, còn thực tế phải nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị rất nhiều, đặc biệt là vấn đề pháp lý, mới có thể đem nguồn tài chính xanh thực thụ về cho Cần Giờ thông qua giải pháp tín chỉ carbon.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Vi Ngọc Nam cho rằng, thị trường carbon rừng ngập mặn vẫn chưa sôi động, vì vậy cần thiết phải có sự chuẩn bị đón đầu. Trước mắt giải quyết rõ ràng vấn đề về quyền sở hữu đất đai đối với những diện tích rừng trồng được giao cho nông hộ nhỏ lẻ quản lý…
Mình cứ nói tín chỉ carbon bán được giá cao, tuy nhiên nếu bà con họ thấy để rừng làm thủy sản có lợi nhuận cao hơn thì chưa chắc họ tham gia. Đối với tín chỉ carbon thì hiện nay cần thiết mỗi người phải cùng tham gia quản lý rừng hiệu quả trước, tiếp đó phải nâng cao tầm hiểu biết của người dân. Chứ hiện nay bà con chưa hiểu nhận thức rõ và đầy đủ thì khó mà thuyết phục để họ cùng tham gia. Ông Vi Ngọc Nam trao đổi thêm.
Theo Tiến sỹ Phạm Thu Thủy, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide, Australia, mặc dù tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon rừng ngập mặn tại Việt Nam cao, nhưng thực tế thị trường còn mới. Do đó muốn khai thác tiềm năng cần hoàn hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa ra những chính sách có tính chiến lược để các doanh nghiệp và các bên liên quan có thể dễ dàng tiếp cận. Đồng thời cần nghiên cứu và thu nhập số liệu thẩm định, kiểm chứng các chi phí và lợi ích có liên quan đến thể chế xã hội và môi trường mà tín chỉ carbon rừng mang lại.
Nhà đầu tư thì không chỉ đi tìm những dự án có diện tích rộng, đa dạng sinh học mà cần pháp lý cụ thể, rõ ràng và minh bạch để khuyến khích được nhà đầu tư.
Tất cả những thuận lợi TP.HCM đang có tương đối đầy đủ. Tuy nhiên câu chuyện tiếp theo là chúng ta sẽ bán ở thị trường nào, bán cho ai và cần phải làm những gì để có thể được giá cả cao nhất, đem lại lợi ích lớn nhất cho TP.HCM? Cho tới hôm nay thì chưa nhìn thấy đánh giá cụ thể nào, mà chỉ có những nghiên cứu rất là nhỏ lẻ. Bà Thủy nhận định.
Trước đây, rừng ngập mặn Cần Giờ chỉ sử dụng để nghiên cứu, tham quan, học tập, kết hợp du lịch sinh thái, thì hiện nay với cơ chế của Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đã có cơ hội khai thác tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ cho biết: trong thời gian tới, địa phương sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu, đề xuất những định hướng, giải pháp để vừa phát huy giá trị, vừa giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và tạo ra nền tảng, môi trường, điều kiện cho sự phát triển bền vững.
Nguyễn Quang (VOV-TP.HCM)