Lĩnh vực nào có thể tạo ra tín chỉ carbon?
Một trong những giải pháp tài chính quan trọng để có thêm nguồn lực cho hành trình “net-zero” là tăng nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon. Hướng đi này càng rõ ràng hơn khi mới đây, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), thu về khoảng 1.250 tỉ đồng.
TPHCM cũng có rừng, lại còn là hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển. Theo dự thảo “Khung chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xanh Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030”, để xây dựng được thị trường carbon tại TPHCM, cùng với rừng Cần Giờ, các dự án nông nghiệp, giao thông, xử lý chất thải… cũng cần phải có một nghiên cứu cụ thể hơn về tiềm năng bán tín chỉ carbon, sau đó mới xác định lĩnh vực ưu tiên để kêu gọi hợp tác triển khai.
Một trong những thuận lợi của TPHCM trong việc bán tín chỉ carbon đến từ Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù, cho phép thành phố giữ lại 100% nguồn thu từ tín chỉ đã bán để tái đầu tư cho “phát triển xanh”. Thậm chí, với tiềm lực của mình, TPHCM không chỉ bán mà còn có thể mua tín chỉ carbon ở các quốc gia khác để đóng góp vào mục tiêu trung hoà carbon – dự thảo khung chiến lược có đoạn.
Xây dựng cơ chế thị trường carbon, cũng như khuyến nghị các lĩnh vực ưu tiên đang là câu chuyện được nhiều chuyên gia nhắc đến, trong đó có nhóm nghiên cứu chung giữa WB và TPHCM.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM diễn ra chiều ngày 24-1, nhóm này đề xuất thực hiện Dự án Đô thị carbon thấp tại TPHCM trong các lĩnh vực ưu tiên. Mục tiêu là để TPHCM có thể huy động vốn đầu tư và bổ sung nguồn thu ngân sách, bằng cách tổng hợp giảm phát thải từ nhiều dự án có quy mô nhỏ vào hợp đồng tín chỉ carbon để bán trên thị trường carbon.
Các dự án khả thi được đề xuất bao gồm nâng cấp lên đèn đường LED; lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các tài sản công và tư nhân trên địa bàn TPHCM; trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà được xác định là tài sản công và tư nhân trên địa bàn TPHCM; và cuối cùng là nâng cấp lên phương tiện giao thông chạy bằng điện.
Một ý tưởng khác cũng được đại diện doanh nghiệp nhắc đến là xây dựng trạm sạc pin cho xe điện và xe máy có thể đổi pin mà không cần phải sạc. Các trạm sạc sử dụng điện mặt trời để sạc pin. Sau đó, tổng hợp tất cả các dữ liệu “điện sạch” để đăng ký và phát hành chứng chỉ năng lượng tái tạo đối với phần điện mặt trời mái nhà và phần điện sử dụng cho xe máy.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết lượng phát thải tạo ra có thể chuyển thành tín chỉ carbon sau đó bán cho những bên quan tâm. Xu hướng khai thác thị trường tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế đang phát triển nhanh chóng.
Các giải pháp trong dự án đề xuất nêu trên được nhóm chuyên gia WB đánh giá là “dễ dàng thực hiện tại Việt Nam” và dĩ nhiên WB sẽ hỗ trợ tìm kiếm người mua. Số tín chỉ này có thể bù đắp 8-42% chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo bảng ước tính dòng tiền dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 5.980 tỉ đồng ước sẽ giúp giảm 6,05 triệu tấn CO2 tương đương trong 10 năm, tạo ra NPV (giá trị hiện tại ròng) là 1.603 tỉ đồng, với 645,9 tỉ đồng đóng góp trực tiếp cho ngân sách thành phố trong 10 năm. Thời gian hoàn vốn nếu có nguồn thu từ tín chỉ carbon là 5,4 năm (nếu không có thì 6,1 năm).
Vẫn chờ cơ chế để hiện thực hóa
Theo cập nhật mới đây tại hội nghị lần thứ hai Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Ban chỉ đạo 850), hiện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đang gấp rút hoàn thành đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Đại diện Bộ tài chính cho biết đã triển khai rà soát, tham vấn các bên liên quan và sẽ sớm trình dự thảo. Còn đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nói đã cử đoàn làm việc với TPHCM, ủng hộ các dự án lấy tín chỉ. Tuy nhiên, vì chưa có quy định cụ thể, nên trước mặt có thể chuyển nhượng trên thị trường tự nguyện theo tỷ lệ nhất định, để đảm bảo phần đóng góp của Việt Nam trong cam kết tự nguyện.
Tại TPHCM, đoàn công tác chung với WB hiện đang làm việc để xây dựng các chính sách liên quan. Phía WB cũng đề xuất gói viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ kỹ thuật phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Đại diện WB cho rằng ở nhiều quốc gia phát triển thì cơ chế thuế được sử dụng nhiều, nhưng quốc gia đang phát triển khó hơn vì ngân sách giới hạn. Vị này cũng lưu ý đến tính quy mô của dự án.
Theo đó, TPHCM cần phải tổng hợp các tín chỉ carbon ở khối lượng đủ lớn thì mới có thể đem bán thị trường quốc tế, vì các doanh nghiệp tư nhân ở quy mô nhỏ chỉ có thể tạo ra tín chỉ quy mô nhỏ. Chi phí giao dịch cho tín chỉ carbon do đó cũng là vấn đề lớn, chưa tính đến câu chuyện thẩm định giá trị của tín chỉ đó.
Dòng vốn tư nhân được đánh giá là rất quan trọng trong nỗ lực xây dựng thị trường hoàn toàn mới. “Thị trường bán tín chỉ carbon phải thu hút thêm các thị trường tư nhân, thông qua các can thiệp hỗ trợ. Chẳng hạn, muốn mở rộng tín chỉ carbon sang tư nhân thì có thể tăng cường hiệu quả năng lượng của tòa nhà thương mại, hoặc chuyển đổi sáng các phương tiện chạy điện”, bà Carolyn Turk nói.
Tuy nhiên, vai trò của cơ chế được các doanh nghiệp nhắc đến nhiều, vì có thể khiến doanh nghiệp rơi vào thế “việt vị”. Trong đó, câu chuyện điển hình như trào lưu đầu tư năng lượng tái tạo trong thời gian qua. Hay như ý tưởng về trạm đổi pin điện và gắn điện mặt trời, doanh nghiệp kiến nghị nêu trên cũng đề xuất chính quyền thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất cho các doanh nghiệp tư vấn phát triển xe điện và các trạm sạc, lắp đặt điện mặt trời.
Chính sách của chính quyền thành phố nên tập trung vào câu chuyện tạo ra cơ chế khuyến khích đầu tư nhiều hơn là tự tay mình làm, nhưng trước mắt nên thử nghiệm những lĩnh vực có thể làm nhanh và làm ngay với quy mô đủ lớn.
Dũng Nguyễn