Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn các nội hàm về ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị). Thế nhưng, vẫn có nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm ESG theo phong trào, tách rời và độc lập khỏi chiến lược kinh doanh tổng thể, khiến cho cơ hội tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững bị mất đi.
Thước đo độ sẵn sàng trước xu thế xanh hóa
Ngày nay, tiêu chuẩn thành công của doanh nghiệp được định nghĩa lại. Thay vì dựa vào những con số về doanh thu, lợi nhuận, lợi ích cổ đông hay những con số tài chính, xu thế mới xác định thành công dựa trên khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa có trong tiền lệ; hoặc doanh nghiệp có gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường. Chỉ khi cân bằng được kiềng ba chân: kinh tế-xã hội-môi trường, doanh nghiệp mới có thể thành công và tạo giá trị mới trong thời đại ngày nay.
Xu thế xanh hóa đòi hỏi doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư nâng cao năng lực quản trị công ty bền vững, thông qua thực hiện trách nhiệm giải trình hiệu quả hơn. Hiện nay, áp lực ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ, do đó, thực hiện trách nhiệm giải trình, công bố thông tin liên quan các mục tiêu khí hậu đang được cộng đồng doanh nghiệp thế giới rất quan tâm.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá trách nhiệm giải trình là một trong những tiêu chuẩn cốt lõi của quản trị công ty tốt, luôn song hành cùng tính minh bạch và công bố thông tin. Tại Việt Nam, với hơn 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nguồn lực hữu hạn, chúng tôi khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì xây dựng. Từ đó, doanh nghiệp có thể tự khám tổng quát “sức khỏe” của mình, cũng như các tác động tạo ra từ hoạt động của doanh nghiệp, làm cơ sở xây dựng kế hoạch hành động phù hợp. Đồng thời, CSI sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc lập và công bố thông tin doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp của chúng ta vẫn hay than phiền rằng, muốn làm phát triển bền vững mà không tiếp cận được nguồn vốn xanh. Thế nhưng, muốn nhận được vốn xanh, các doanh nghiệp phải mở ra cánh cửa đến với các nhà đầu tư và thị trường quốc tế rộng lớn nói riêng, và hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp nói chung, thông qua việc thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, tổng hợp và báo cáo thông tin minh bạch.
Đầu tư thúc đẩy chuyển đổi chuỗi giá trị là một xu thế nổi bật trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Khoảng 90-99% lượng phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp thuộc Scope 3 (phát thải không đến từ hoạt động vận hành của doanh nghiệp mà đến từ chuỗi giá trị của họ). Chính việc tăng cường sự tham gia và nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp, các bên liên quan trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp giúp quản lý nguồn phát thải, tạo thành một hệ sinh thái bền vững, từ đó giúp mục tiêu Net Zero vào năm 2050 trở nên khả thi.
Đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận, triển khai chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp và hợp tác đa bên cũng là thước đo quan trọng. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2024, Nestlé Việt Nam đã chỉ ra rằng, một trong những điểm nghẽn trong quá trình chuyển đổi là kết nối câu chuyện bền vững với những động lực cốt lõi của người tiêu dùng trong việc đưa ra quyết định lựa chọn thương hiệu. Hay Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) trong nhiều năm qua đã đưa phát triển bền vững vào DNA của doanh nghiệp, tạo thành nền tàng cho văn hóa doanh nghiệp bền vững, đồng thời luôn đổi mới tư duy quản trị phù hợp với những yêu cầu chuyển đổi của từng giai đoạn. Rõ ràng, doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận và kết nối với người tiêu dùng dựa trên sự thấu hiểu về khách hàng qua các hành vi, nhu cầu, sở thích, để các sáng kiến bền vững thật sự trở thành động lực tạo giá trị.
Sự chuyển động nhịp nhàng từ chính sách
Phát triển bền vững là định hướng chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Sau chuỗi 11 lần liên tiếp tổ chức của Diễn đàn VCSF, từ năm 2014, và Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững vào các năm 2018, 2019 do VCCI chủ trì tổ chức, nhiều kiến nghị chính sách đã được trình lên Chính phủ, làm “đầu vào” cho các chính sách quan trọng như: Chỉ thị số 13/CT-TTg về phát triển bền vững; Quyết định số 1362/QĐ-TTg Phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, v.v.
Đồng thời, vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp đóng góp vào sự phồn vinh, thịnh vượng dài hạn của quốc gia đã một lần nữa được khẳng định tại Nghị quyết 41 về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới của Bộ Chính trị được ban hành cuối năm qua. Đây chính là những lợi thế quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam thực hành kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để tạo lập môi trường thực thi kinh doanh bền vững thuận lợi nhất, Chính phủ cần khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển thị trường hàng hóa, thị trường trao đổi hạn ngạch tín chỉ phát thải carbon, nhất là cần phải tiếp tục định hướng để phát triển thêm nhiều ngành nghề mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Bên cạnh đó, cần ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, phát triển các trung tâm phát triển sản phẩm, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo…, trong đó cần có những hướng dẫn cụ thể, triển khai thí điểm (sandbox) về chuyển đổi xanh. Xây dựng riêng một bộ luật về Kinh tế tuần hoàn cũng là một bước đi mạnh mẽ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế ưu việt này.
Chính phủ cũng cần nghiên cứu thể chế hóa hoạt động lập báo cáo bền vững, tích hợp nhiều báo cáo trong một, như một công cụ bắt buộc để công bố và quản lý thông tin doanh nghiệp. Cần có chương trình dài hạn về việc xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về báo cáo bền vững của Việt Nam. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần chuyển đổi tư duy xây dựng chính sách, tư duy quản lý, giám sát; người dân, xã hội cần chuyển đổi tư duy trong lối sống, lối tiêu dùng, từ “xám” sang “xanh”.
Chúng tôi hy vọng, thông qua những hoạt động kết nối, hợp tác, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững và kiến nghị chính sách tới Chính phủ, hành trình chuyển đổi xanh sẽ thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp được tiếp thêm động lực để duy trì cam kết mạnh mẽ với phát triển bền vững, niềm tin được bồi đắp và cùng chung tay kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn thông qua kinh doanh tốt hơn.
VCCI đã xây dựng, công bố các bộ chỉ số thúc đẩy chuyển đổi bền vững hướng tới các đối tác khác nhau như: Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI); Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI)… VCCI, thông qua đầu mối là VBCSD, đang phối hợp tổ chức IDH Việt Nam, triển khai Sáng kiến Thúc đẩy khu công nghiệp bền vững Việt Nam, trong đó có xây dựng và lan tỏa Bộ chỉ số SIP Index.
Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)