Ngày 17/3/2024, Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Vietnam – Asia (VANZA) phối hợp với Công ty tư vấn Hà Nam Carbon, Viện nghiên cứu Vùng và đô thị (IRUS) và Hà Nam Fabrics sẽ tổ chức Hội thảo “Tín chỉ Carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu”.
Dự kiến Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện mỗi năm, nhu cầu về cơ chế trao đổi và mua bán tín chỉ này đang ngày càng tăng. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ba năm sau, tức là năm 2028, sàn sẽ được vận hành chính thức. Câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu từ đâu để đi cùng nhịp với thị trường trong nước và quốc tế.
Mặc dù thị trường tín chỉ carbon được đánh giá là có tiềm năng nhưng vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề và thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải chịu thêm nhiều tỷ đô la tiền thuế phát thải Carbon khi xuất sang thị trường châu Âu do ảnh hưởng bởi cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon. Việt Nam cần phải làm gì, làm như thế nào để tháo gỡ những “nút thắt” trên, từ dó để có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ thị trường này?
Với sự tham dự của các diễn giả, khách mời là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và tín chỉ Carbon là: Ông Trần Thái, Giám đốc Công ty tư vấn Hà Nam Carbon; Ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB; Ông Trần Nguyễn Trọng Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Thương mại Kenzen. Cùng nhiều nhà nghiên cứu, kinh tế và hơn 70 các doanh nghiệp quan tâm tới mục tiêu Net Zero.
Hội thảo sẽ cùng phân tích, kiến giải, luận bàn về thị trường carbon (tín chỉ carbon) sẽ mang đến cơ hội hay thách thức gì cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng các cơ hội từ thị trường tài chính carbon như thế nào trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải tiến tới Net Zero Carbon vào 2050, còn thế giới đang áp dụng các luật chơi về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Hội thảo cũng sẽ bàn luận, trao đổi về nội dung kinh tế tuần hoàn đang được xem là xu thế của thế giới, theo đó Việt Nam để hội nhập sâu rộng hơn nữa vào ‘sân chơi” quốc tế từ đó nâng cao thương hiệu và vị thế của các doanh nghiệp Việt nói riêng và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung cần phải bắt đầu từ đâu trong lộ trình này.
Tại hội thảo, các chuyên gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về quản lý carbon và hệ thống thị trường carbon. Phân tích những thách thức và cơ hội mà doanh nghiệp phải đối mặt khi thực hiện các biện pháp giảm phát thải và tham gia vào thị trường carbon.
Một tọa đàm nhỏ của chuyên gia trao đổi cùng các doanh nghiệp cũng sẽ kết nối giao lưu, chia sẻ về ESG, tài chính xanh, những bước tiến và phương pháp hiệu quả để đạt được tín chỉ carbon và thúc đẩy sự phát triển bền vững với mục tiêu Net Zero Carbon.
Thanh Thủy – Anh Thư