Lượng phát thải khí CO2 tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, khiến Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới. Thực tế này càng khiến mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050 trở nên đầy thách thức.
Bài toán lớn nhất lúc này của Việt Nam là vừa phải xây dựng được một nền kinh tế carbon thấp, vừa phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và chuyển mình thành quốc gia công nghiệp.
Năng lượng tái tạo phải là trụ cột
Theo TS Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cần sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị. Việt Nam cần tính toán trên tất cả các phương án như đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, đốt rác trực tiếp… để không thải ra CO2.
“Ngoài ra, yếu tố quan trọng hơn cả là phát triển năng lượng tái tạo, nguồn này phải chiếm 80-90% tổng công suất hệ thống thì Việt Nam mới có thể đạt được cam kết tại Hội nghị COP26”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Dẫn chứng từ Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), TS Đáp cho biết nhu cầu về điện của Việt Nam có thể được đáp ứng bởi các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, cũng như thủy điện, pin tích trữ và các công nghệ khác. Đây cũng là hướng đi Việt Nam có thể nhắm tới.
Cụ thể, đến năm 2030 có thể thay thế 5,8 GW nguồn năng lượng tái tạo và đến năm 2045 tăng lên 5,6 GW điện gió, 4,9 GW điện mặt trời cùng 8,5 GW điện khí (linh hoạt) để hỗ trợ cân bằng hệ thống, hạn chế cắt giảm công suất các nguồn tái tạo và đảm bảo nguồn cung ứng điện ổn định.
“Cần nhanh chóng mở rộng quy mô của điện sạch; ngừng cấp giấy phép mới, xây dựng mới, và hỗ trợ mới hay trực tiếp từ Chính phủ cho các dự án điện than; tăng cường nỗ lực trong nước và quốc tế để đảm bảo thực hiện quá trình chuyển dịch công bằng”, ông đề xuất.
Tương tự, Cục trưởng Năng lượng Đan Mạch, ông Kristoffer Bottzauw cũng cho rằng Việt Nam có thể chuyển đổi xanh hiệu quả về chi phí và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thông qua mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, điện hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
“Việt Nam có thể chuyển đổi xanh hiệu quả về chi phí và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thông qua mở rộng quy mô năng lượng tái tạo.” -Ông Kristoffer Bottzauw, Cục trưởng Năng lượng Đan Mạch
Chia sẻ thêm, bà Giada Venturini, Cố vấn cao cấp của Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết theo phân tích tối ưu hóa chi phí các lộ trình phát triển hệ thống năng lượng của Việt Nam trong tương lai, quá trình chuyển đổi xanh không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn hiệu quả về mặt kinh tế.
“Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cũng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội việc làm mới trong nước và đòi hỏi phải có lực lượng lao động có kiến thức và kỹ năng phù hợp. Để hỗ trợ quá trình tăng trưởng của lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam nên khuyến khích mở rộng giáo dục về công nghệ năng lượng sạch”, bà Giada chia sẻ.
Cần có lộ trình từng bước
Về phía doanh nghiệp, chia sẻ tại Toạ đàm “Con đường đến đích xanh” do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Công Luận, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho rằng chuyển dịch năng lượng với mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm rất cao trong vấn đề chuyển dịch các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.
PV GAS là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hoạt động trong lĩnh vực năng lượng với chức năng chính là phát triển ngành công nghiệp khí không tránh khỏi “guồng quay” của chuyển dịch năng lượng với nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Luận nhấn mạnh PV GAS cũng xem đây là cơ hội để ngày càng hoàn thiện và phát triển bền vững, tiến xa trong tương lai.
“Trên cơ sở xu hướng chuyển dịch năng lượng và phát triển kinh tế xanh, PV GAS đang nghiên cứu các sản phẩm mới phục vụ cho hóa dầu, hydro xanh, ammonia xanh. Doanh nghiệp cũng đang triển khai hợp tác cùng các đối tác với mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành ít nhất một dự án thử nghiệm sử dụng hydro/ammonia xanh. PV GAS cũng đang nghiên cứu đưa hydro vào đường ống để sau này cung cấp cho các hộ tiêu thụ điện hoặc các khu công nghiệp”, ông nói.
Theo lãnh đạo PV GAS, việc chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh cần có lộ trình từng bước. Trước mắt, LNG là nguồn năng lượng hóa thạch có mức độ phát thải thấp.
“Nhà nước cần xem xét giải pháp điều chỉnh lộ trình chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy điện từ khí trong nước và LNG sang hydro với tiến độ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và đủ thời gian thu hồi vốn cho đầu tư phát triển các dự án khí trong nước cũng như các dự án LNG.
Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý, cơ chế chính sách mới cho phát triển các loại năng lượng mới như hydro xanh, ammonia xanh…”, ông nêu ý kiến.
Về đầu tư hạ tầng LNG, ông kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm trên cơ sở tối ưu hóa nguồn lực quốc gia, ủng hộ quan điểm phát triển, xây dựng hạ tầng kỹ thuật quốc gia về điện khí LNG theo mô hình các kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub).
“Mục đích giảm giá thành sản xuất điện từ nguồn LNG nhập khẩu. Ngoài ra, mô hình kho cảng LNG trung tâm còn giúp tận dụng tối ưu tài nguyên diện tích cảng biển và mặt nước cho các mục đích khai thác và phát triển kinh tế khác”, ông chia sẻ.
Về nhập khẩu, Phó tổng giám đốc PV GAS mong các cơ quan sẽ ủng hộ chuyển ngang giá, phí và bao tiêu sản lượng điện dài hạn và giao PVN/PV GAS xây dựng quy trình nhập khẩu, đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Giai đoạn từ nay đến 2030 giao PVN/PV GAS là đầu mối để tập trung và tạo lợi thế đàm phán với các nhà cung cấp LNG.
“Cần xây dựng và hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý, cơ chế chính sách mới cho phát triển các loại năng lượng mới như hydro xanh, ammonia xanh…” -Ông Nguyễn Công Luận, Phó tổng giám đốc PV GAS
Lương Thanh