Cơ hội lớn nhưng làm chậm sẽ bị vụt mất
Là doanh nghiệp vừa tự trung hoà carbon, vừa cung cấp giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp khác ngay từ nguyên liệu đầu vào, ông Phạm Trần Đăng Quyến – Phó Tổng giám đốc CTCP Thuận Hải – cho biết, hiện đang thiếu các tiêu chí, quy định và quy trình để tham gia thị trường tín chỉ carbon.
“Việc thiết lập bộ tiêu chí này rất quan trọng để thu hút các doanh nghiệp tham gia thị trường này. Bên cạnh đó, để thực hiện các dự án giảm phát thải cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm để thu kết qủa thực tế. Việc thiếu nguồn lực có chuyên môn và công nghệ là khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải” – ông Hải cho hay.
Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon. Nhờ đặc thù tự nhiên, nước ta có tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu hécta, độ che phủ rừng 42%. Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 – 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Tiềm năng lớn thấy rõ nhưng theo TS Nguyễn Linh Ngọc – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, tình hình triển khai thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn rất chậm. Nếu làm chậm thêm sẽ đánh mất cơ hội.
Để Việt Nam có thể phát triển thị trường carbon bền vững, quá trình xây dựng, phát triển thị trường này định hướng theo phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cần phải có các công cụ và hạ tầng kỹ thuật rõ ràng, minh bạch trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính cho từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp.
“Thị trường carbon tại Việt Nam phải được xây dựng theo hướng tích hợp, hội nhập và liên thông tới các thị trường carbon toàn cầu. Quan trọng nhất là các cơ quan ban ngành cần tiến hành triển khai nhanh hơn nữa” – TS Nguyễn Ngọc Linh nhấn mạnh.
Sớm hoàn thiện khung pháp lý giao dịch tín chỉ carbon
Theo ThS. Hồ Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, để tổ chức và phát triển thị trường carbon, có 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đặt ra gồm:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Trong đó xây dựng quy định về quản lý Nhà nước đối với tín chỉ carbon. Ban hành quy định về đấu giá, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch. Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Xây dựng cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường tín chỉ carbon. Ban hành quy định về quy trình, kỹ thuật đo đạc, báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Thứ hai, tổ chức và vận hành thị trường: Tập trung vào các nhiệm vụ về tạo lập hàng hóa. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời quản lý, kiểm tra và giám sát hoạt động trên thị trường carbon.
Thứ ba, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực. Các nhiệm vụ cụ thể gồm tuyên truyền, nâng cao nhận thức; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, thực hiện kiểm kê khí nhà kính cũng như tham gia vào thị trường; phát triển hệ thống thông tin.
“Cùng với việc tham gia thị trường carbon, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có thêm các lựa chọn để thực hiện giảm phát thải của doanh nghiệp. Thông qua tính toán chi phí, lợi ích của từng phương án, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể lựa chọn phương án áp dụng công nghệ ít phát thải hoặc thực hiện mua lại hạn ngạch phát thải khí nhà kính hoặc tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng phát thải khí nhà kính của mình” – bà Hằng nói thêm.
Đức Mạnh